Tuyết Nhung tâm sự "…Hồi nhỏ em rất đam mê vọng cổ và ca Tài tử nhưng không biết giọng, nhịp. Thật may mắn khi thấy ti vi giới thiệu thầy Thê, vậy là tới đây bái sư thọ giáo. Thầy rất tận tình chỉ dạy, giờ thì em khá tự tin tham gia nhiều phong trào đờn ca Tài tử tại địa phương…” Người thầy mà em nhắc đến với sự trân trọng ấy là ông Lê Văn Thê, còn có tên là Năm Thê - danh cầm nổi tiếng khắp lục tỉnh xưa hiện đã 86 tuổi nhưng tinh thần còn rất minh mẫn, phong cách giao tiếp lịch lãm, hào hoa, đặc biệt ngón đờn độc đáo của ông vẫn còn thu hút người nghe một cách lạ thường. Danh cầm Năm Thê tâm sự "…tôi vốn là dân nhà nòi đờn ca, bên nội, bên ngoại đều là nghệ sỹ, nhạc công, tới tôi là thế hệ thứ mười rồi, mê cái nghề này lắm bởi tiếng đờn luôn ẩn chứa hồn thiêng dân tộc, là truyền thống tổ tiên ông cha để lại, đời đời phải được lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau…”. Năm 12 tuổi, ông đã tập làm quen với nhiều nhạc cụ từ người cha kính yêu của mình vốn cũng là một danh cầm nổi tiếng. Năm 1941, lúc vừa 15 tuổi, ông được gia đình gửi xuống cái nôi đờn ca Tài tử Bạc Liêu để theo học với đệ nhất danh cầm miền Tây vang danh cả nước bấy giờ là ông Mười Khói. Cũng tai Bạc Liêu, ông có dịp gặp gỡ, giao lưu về lĩnh vực sáng tác vọng cổ, các bản Tài tử, phong cách biểu diễn với nhiều nghệ sỹ, soạn giả nổi tiếng như: Cao Văn Lầu, Bảy Cao, Hai The, Tư Biên, Ngọc Cầm, Ba Khuôn, Ba Chột… Năm 1949 ông theo thầy vào con đường sân khấu làm nhạc công Đoàn Cải lương Tiếng Chuông tại Sài Gòn. Sau ngày miền Nam giải phóng 1975, danh cầm Lê Văn Thê về công tác tại Trung tâm Văn hoá tỉnh Vỉnh Long. Năm 1978 ông xin nghỉ hưu về quê nhà (xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vỉnh Long) mở lớp dạy đàn ca Tài tử cho đến nay. Cụ Thê dạy học trò đàn tranh Cha truyền con nối, các con của ông đều nối nghiệp cha mình trở thành những nhạc công, nghệ sỹ khá thành đạt. Danh cầm Năm Thê còn là người dìu dắt, chỉ dẫn nghề nghiệp cho nhiều nghệ sỹ rất nổi tiếng trên lĩnh vực sân khấu như: nghệ sỹ Chí Tâm, Út Hậu… Riêng NSND Út Trà Ôn lúc sinh thời cũng thường tìm đến ông trao đổi nghề nghiệp và xem ông là người bạn vong niên, tri âm, tri kỷ. Năm 2011, học trò "cưng” của ông là Lê Thị Kim Khoa (19 tuổi) đã vào đến chung kết giải Bông lúa Vàng do Đài Tiếng Nói nhân dân TPHCM tổ chức làm nức lòng người hâm mộ đất Trà Ôn. Nhiều học trò của ông hiện đang giảng dạy đờn ca Tài tử khắp các tỉnh như: Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, TPHCM… Điều lý thú, rất độc đáo và hiếm thấy là danh cầm miền Tây Lê Văn Thê có khả năng sử dụng bài bản đến 18 loại nhạc cụ khác nhau như: đờn Kìm, Cò, Sến, Ghita phím lõm, đàn Tranh, đàn Bầu… Tiếng thơm đồn xa, ngày càng có nhiều người đến đăng ký theo học đàn, học ca diễn, trong đó có nhiều Việt kiều đang sinh sống ở Mỹ, Canada, Úc, Pháp… Tài hoa là vậy, nhưng ông không hề nhận bất kỳ một khoản tiền nào từ các học trò. Đã vậy, danh cầm Năm Thê còn chỉ dạy rất tận tình, thấu đáo, trách nhiệm. Ông tâm sự "…Vật chất là phù phiếm, cái chính là truyền tải được ngọn lửa đam mê nền âm nhạc dân tộc, khơi dậy niềm tự hào chúng ta là người Việt Nam, con Hồng cháu Lạc…” Chúng tôi xúc động vô cùng khi bắt gặp hàng chục loại nhạc cụ dân tộc được lau chùi sạch sẽ, sáng ngời treo trang trọng trên bức tường nhỏ bé của căn phòng, những tập bản thảo, những trang giáo án chất đầy chiếc bàn nhỏ giữa phòng đã trở nên quá tải. Ông đang chuẩn bị cho một buổi học đàn tranh dành cho các cháu yêu thích với đôi mắt tự tin, mãnh liệt rất lạ lùng. Danh cầm Lê Văn Thê tiễn chúng tôi ra về bằng một lớp "Văn Thiên Tường” bằng cây đàn cò nghe réo rắt thật gợi nhớ, gợi thương lay động lòng người. Chào ông, danh cầm miền Tây luôn cần mẫn như con tằm nhả tơ vì sự nghiệp giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thật đáng trân trọng biết bao. SONG ANH |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét