Ngay từ khi còn nhỏ, bà Đức đã được cha mình giúp cho thấm nhuần từng lời ca, nhịp phách. 7 tuổi, bà đã chính thức bước chân vào hát ả đào, 13 tuổi bà bắt đầu theo cha và anh đi hát ở Khâm Thiên như một đào nương chính thức.
NSƯT Kim Đức sinh ra và lớn lên trong một dòng họ có nhiều đời gắn bó với ca trù. Cha đẻ, anh trai, bác, cô, chú ruột của bà đều là những nghệ nhân thành danh ở phố Khâm Thiên - một “địa danh ca trù” đất Bắc những năm trước Cách mạng Tháng Tám. Ngay từ khi còn nhỏ, bà Đức đã được cha mình giúp cho thấm nhuần từng lời ca, nhịp phách. 7 tuổi, bà đã chính thức bước chân vào hát ả đào, 13 tuổi bà bắt đầu theo cha và anh đi hát ở Khâm Thiên như một đào nương chính thức.
Năm 1945, khi vừa 15 tuổi, Kim Đức và nghệ nhân Quách Thị Hồ đã tổ chức một chương trình nghệ thuật từ thiện tại sân khấu Nhà hát Lớn ngay trong Tuần lễ Vàng để quyên góp tiền ủng hộ Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam DCCH. Một đào nương Kim Đức trẻ trung bên cạnh một Quách Thị Hồ chững chạc, với giọng ca trù đã nổi đình nổi đám trong thiên hạ, thực sự đã chinh phục được đông đảo người nghe. Chiến tranh, loạn lạc, gia đình bà phải bỏ nghiệp hát đi tản cư khỏi Hà Nội.
Đây là thời gian khổ nhất mà nghệ nhân Kim Đức trải qua trong cuộc đời. Năm Kim Đức 17 tuổi, may mắn thay, bà Đàm Mộng Hoàn, một tên tuổi đình đám trong làng hát Hà Nội bấy giờ dọn nhà hát ở trên Bà Triệu mời Kim Đức lên hát. Được sự giúp đỡ của nhiều người, hai anh em bà lại tay đàn, giọng hát ngang dọc phố Khâm Thiên.
Hòa bình trở lại thì bà Đức thôi không hát nữa. Sau năm 1954, trường Ca kịch dân tộc đã mời bà đi học lớp giáo sinh, bà chuyển sang học chèo do cụ Cả Tam dạy. Rồi năm 1959, bà cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Sang năm 1960, thấy bà hát tốt quá, Đài TNVN mời bà về công tác chính thức nhưng không hát ca trù mà chuyển sang hát chèo, ngâm thơ.
Bà hát chèo mượt mà, uyển chuyển lắm, lại đưa kỹ thuật ca trù vào góp phần làm cho cách hát chèo, ngâm thơ thêm phong phú, sinh động và sang trọng. Bà gắn bó với Đài TNVN cho đến năm 1986 thì về hưu. Như vậy, một phần ba cuộc đời, Kim Đức gắn liền với chèo và được phong tặng danh hiệu NSƯT ngành chèo chứ không phải là ca trù.
Về nghỉ hưu, bà không đi hát nữa, dù nhận được rất nhiều lời mời. Bà tâm sự: “Không phải vì tôi kiêu căng nên người ta mời không đi đâu. Đấy là do tôi sợ phải biểu diễn cùng chương trình với một số người mà hát ca trù vẫn còn sai lời, lạc phách.
Người ta mời tôi dạy ca trù trong thời gian 2 tháng tôi cũng đành từ chối, vì khoảng thời gian ngắn ngủi đó không thể truyền đạt nổi bất cứ một nội dung nào của nghệ thuật ca trù. Nhóm học trò của tôi có những người học đã ngót nghét chục năm, người gọi là mới học cũng luyện tập đến 6 năm thế mà nhiều khi tiếng phách gõ còn chưa chuẩn, nói gì đến học vài ba tháng”. Chẳng thế mà nhiều người nhận định: người đúc kết được ca trù thành bài bản mà có thể dùng để truyền dạy được cho học trò theo phương pháp sư phạm thực sự, chỉ có bà Kim Đức.
http://www.vietnamcatru.com/vi/nghe-thuat-ca-tru/guong-mat-nghe-sy/88-nghe-nhan-kim-duc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét