Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

NGUYỄN ĐÌNH TÚ : Ca trù - Nghệ thuật của âm thanh đồng vọng

Ca trù - Nghệ thuật của âm thanh đồng vọng
 
 
 

Sau 4 năm chờ đợi, kể từ khi Chính phủ cho quyết định sẽ đệ trình UNESCO công nhận di sản Quan họ và Ca trù, nay điều mong đợi đã trở thành hiện thực. Cùng với Nhã nhạc cung đình Huế và Cồng chiêng Tây Nguyên, Việt Nam lại có thêm hai di sản văn hóa phi vật thể nữa được toàn thế giới công nhận là Di sản của nhân loại. Nhân sự kiện này, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, chuyên gia hàng đầu về ca trù Việt Nam, hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, người tham gia vào quá trình đưa ca trù đến với danh hiệu Di sản văn hóa nhân loại.

Phóng viên (PV): Thưa tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nói đến ca trù nhiều người nghĩ rằng đó cũng là một loại hình ca nhạc dân gian như tuồng, chèo, cải lương, chầu văn, hát xoan, hát đối…, nhưng hiểu như thế thì cũng có nghĩa là chưa hiểu gì, vậy để định danh định tính ca trù một cách ngắn gọn nhất, xin anh cho bạn đọc VNQĐ biết: Ca trù là gì?
 
 
 
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: Ca trù chỉ một lối hát cổ truyền của người Việt. Tên gọi ca trù xuất phát từ cách gọi những chiếc thẻ (trù) làm bằng tre, trên thẻ có ghi số tiền (hoặc quy định ngầm với nhau là mỗi thẻ tương ứng với một khoản tiền), dùng để thưởng cho đào và kép ngay trong khi biểu diễn thay cho việc thưởng bằng tiền mặt; cuối chầu hát sẽ căn cứ vào số thẻ mà tính tiền trả cho đào và kép hoặc giáo phường. Người quyết định việc thưởng này chính là vị quan viên (khách nghe hát) thông qua việc sử dụng trống chầu (gọi là cầm chầu).


Ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt (không chỉ về cấu tạo mà còn về cách thức diễn tấu) là đàn đáy, phách và trống chầu. Về mặt văn học ca trù làm nảy sinh một thể loại văn học độc đáo là hát nói.


Ca trù là một di sản văn hóa rất đặc sắc của Việt Nam. Đặc sắc ở sự phong phú làn điệu, thể cách (thư tịch cổ ghi nhận 99 thể cách), cả không gian, thời gian biểu diễn (ca trù có mặt ở khắp các sinh hoạt của người Việt) và phương thức thưởng thức (thưởng thẻ); đặc sắc còn vì từ cội nguồn nó gắn bó mật thiết với lễ nghi, phong tục, với sinh hoạt cộng đồng ở cả triều đình lẫn trong dân gian, từ nông thôn tới thành thị.


Ca trù làm người ta nhớ tới những tao nhân mặc khách với lối chơi ngông, chơi sang, rất tinh tế và giàu cá tính sáng tạo của những danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà…Và cùng với đó là mối quan hệ giữa văn nhân với ả đào - mối quan hệ quan trọng nhất của lối thưởng thức ca trù. Bởi quá trình tham gia sinh hoạt ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thể nghiệm và thưởng thức các tác phẩm của mình.
PV: Nói về nguồn gốc của ca trù, có ý kiến cho rằng loại hình nghệ thuật này có xuất xứ từ Trung Quốc, anh có thể nói rõ hơn về nguồn gốc “thuần Việt” của nó?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: Khi nghiên cứu ca trù, chúng tôi cũng đã dành nhiều thời gian đọc các tài liệu về cổ nhạc của Trung Quốc. Kết quả cho thấy: Ca trù không có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Về nhạc cụ, ở Trung Quốc và trên thế giới không có cây đàn nào có chiếc cần dài và kỹ thuật chơi như cây đàn đáy; cỗ phách cũng vậy. Ca trù tự nó tạo nên không gian nghệ thuật riêng biệt, những nhạc cụ riêng biệt, và một thể thơ riêng của mình. Đó là cây đàn Đáy, là phách, là thể thơ hát nói. Hát nói cùng với Truyện Nôm và Ngâm khúc là ba thể loại thơ đặc trưng thuần Việt nhất của văn học chữ Nôm Việt Nam.


 
Trong hội thảo khoa học Quốc tế Hát Ca trù người Việt, tổ chức tại Hà Nội năm 2006, nhiều giáo sư, học giả âm nhạc nổi tiếng đã chứng minh tính chất độc nhất vô nhị của ca trù trên các khía cạnh thơ, nhạc và phương thức thưởng thức. Giáo sư Trần Văn Khê khẳng định: “Ca trù là một truyền thống xuất phát từ nước Việt, chớ không du nhập từ nước ngoài”. Trước đó, Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng đã khẳng định: “Ca trù là một món hương hỏa tổ tiên để lại”.

PV: Đến thời điểm 2005 chúng ta mới nghĩ đến chuyện đề nghị Unesco công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ. Sự khởi động cho bộ hồ sơ khoa học Hát ca trù người Việt diễn ra như thế nào, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: Vào năm 2005, chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai xây dựng hồ sơ khoa học: Hát ca trù của người Việt. Cơ quan trực tiếp nhận nhiệm vụ này là Viện Âm nhạc (thuộc Nhạc viện Hà Nội). Giáo sư Trần Văn Khê là cố vấn khoa học của hồ sơ này. Tất cả 14 sở Văn hóa các tỉnh thành có ca trù đều tham gia. Rất nhiều những chuyên gia, các nghệ nhân, nhà quản lý, nhà nghiên cứu cùng tham gia quá trình chuẩn bị hồ sơ. Hồ sơ có sự góp mặt của nhiều công trình nghiên cứu có giá trị của các nhà nghiên cứu như Lịch sử và sự phát triển Ca trù Việt Nam của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Ca trù qua các khế ước, điều luật của nhà nghiên cứu Trần Thị Kim Anh, Không gian văn hóa - các chức năng văn hóa xã hội và những hình thức biểu hiện của nghệ thuật ca trù của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Âm nhạc ca trù của phó giáo sư tiến sĩ Vũ Nhật Thăng, Thơ trong ca trù của tiến sĩ Nguyễn Đức Mậu… Quá trình củng cố, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ không thể một sớm một chiều vì đây là một bộ hồ sơ đặc biệt, bao gồm trong nó rất nhiều công trình nghiên cứu xoay quanh nghệ thuật ca trù. Tuy nhiên, cuối cùng thì chúng ta cũng đã có được một bộ hồ sơ khoa học Hát ca trù người Việt hoàn chỉnh nhất để đệ trình lên UNESCO.

PV: Được biết việc thẩm định di sản bảo vệ khẩn cấp khá khắt khe. Anh là người dõi theo suốt chặng đường 4 năm của hành trình đưa ca trù đến với danh hiệu di sản văn hóa thế giới, anh có thể cho biết quá trình đó diễn ra như thế nào và có những khó khăn gì?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: Đúng là có những đòi hỏi rất khắt khe. Mỗi hồ sơ có một tổ chức chuyên môn phi chính phủ và những chuyên gia đánh giá độc lập được UNESCO mời thẩm định và phản biện kín. Nhưng chúng ta được thiên thời địa lợi nhân hòa. Về mặt nhà nước thì Chính phủ quyết tâm vinh danh loại hình nghệ thuật này. Về phía các nhà văn hóa thì giúp sức cho bộ hồ sơ ca trù có sức thuyết phục nhất với những luận cứ khoa học và nghệ thuật đầy đủ, chặt chẽ. Bản thân ca trù cũng dần hồi sinh một cách tự nhiên dưới hình thức các câu lạc bộ, các giáo phường. Đặc biệt nghệ thuật ca trù đã hấp dẫn các nhà nghiên cứu âm nhạc nước ngoài. Hai chuyên gia phản biện độc lập của UNESCO cho hồ sơ ca trù là giáo sư Gisa Janichen (người Đức) và tiến sĩ Barley Norton (người Anh) đều đã từng đến Việt Nam nghiên cứu ca trù trong nhiều năm. Chính vì thế hồ sơ Ca trù được đánh giá cao tại UNESCO và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại như một kết quả tất yếu.

PV: Ca trù đã từng là nguồn cảm hứng của rất nhiều văn nhân tài tử và trực tiếp là đối tượng của văn chương nghệ thuật, nhưng có một thời người ta nhầm lẫn giữa “cô đầu hát” và “cô đầu rượu” để rồi đánh đồng ca trù với sự tha hóa, xuống cấp của đạo đức xã hội. Điều này cần phải được nhận thức lại như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện
: Sau năm 1945, trong một thời gian khá dài sinh hoạt ca trù vốn tao nhã và sang trọng trước đây đã bị hiểu lầm và đánh đồng với các sinh hoạt thiếu lành mạnh ở một số ca quán đô thị khiến cho xã hội chối bỏ và quyết loại sinh hoạt ca trù ra khỏi đời sống văn hóa. Ca trù đã không được nuôi dưỡng và phát triển một cách tự nhiên, không được tôn vinh đúng mức, phải chịu tồn tại thiếu sinh khí và tàn lụi. Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã phải cố quên đi nghiệp đàn hát và giấu đi lai lịch của mình.


Những năm trước bốn nhăm, phố phường Hà Nội tràn ngập các nhà hát (ca quán) cô đầu. Ước tính có khoảng 2.000 cô đầu và hơn 200 nhà hát ở Hà Nội. Những cô đầu đến hát bao giờ cũng đi theo gia đình. Thường là chồng đàn vợ hát, hay anh đàn em hát. Họ chỉ là “ca sĩ” đơn thuần. Nhưng trong ca quán, khi thưởng thức văn chương nghệ thuật, phải có trà, phải có rượu, phải có đồ ăn đồ uống. Vì vậy phải có tiếp viên, những người hầu rượu, tiêm thuốc, nấu nướng, thậm chí phục vụ nhu cầu thư giãn khi khách nghỉ lại qua đêm. Khốn nỗi, những người tiếp viên trong ca quán đó cũng được gọi là cô đầu. Như thế, có hai loại cô đầu là cô đầu hát và cô đầu rượu. Đi hát cô đầu dần dần được cho là hình thức sinh hoạt thiếu lành mạnh.


Các cô đầu rượu không biết hát. Họ không xuất thân từ các giáo phường ca trù ở nông thôn, cũng không xuất thân từ các giáo phường nền nếp ở thành thị. Cô đầu rượu không vào các ca quán để học nghề đàn hát mà chỉ đến đây để kiếm việc làm, “ăn trắng mặc trơn”, tránh công việc lam lũ ở quê nhà. Nghề của các cô đào rượu là giao đãi với quan viên, đáp ứng các nhu cầu thư giãn của họ. Chính các cô đầu rượu, cô đầu ôm này đã khiến cho bao nhiêu gia đình phải khuynh gia bại sản. Báo chí trước Cách mạng tháng Tám đã có nhiều phóng sự và hý họa về các cuộc đánh ghen tày đình xảy ra ở các ca quán Khâm Thiên mà nguyên nhân chỉ vì các cô đầu rượu này.

Và rồi cô đầu hát bị đánh đồng với cô đầu rượu. Tiếng xấu về sinh hoạt ca trù ngày một hằn lên suy nghĩ của người đời. Trong khi đó, hình ảnh của đào nương ca trù đã từng được một khách văn nhân tả thế này: Mặt tròn thu nguyệt/ Mắt sắc dao cau/ Vào - duyên khuê các/ Ra - vẻ hồng lâu/ Lời ấy gấm/ Miệng ấy thêu/ Tài lỗi lạc chẳng thua nàng Ban -Tạ/ Dịu như mai/ Trong như tuyết/ Nét phong lưu chi kém bạn Vân – Kiều… Nhưng, theo tháng năm hình ảnh ấy trở nên mờ nhòe với biết bao nghi ngại.


Phải mất một thời gian khá dài, và phải mất rất nhiều công sức, trong đó đặc biệt ghi nhận sự tiên phong của những nhà nghiên cứu ca trù, chúng ta mới dần xóa đi những hiểu lầm đáng tiếc này Do đó bây giờ rất cần xã hội hiểu đúng, minh oan cho những đào kép ca trù, minh oan cho một bộ môn nghệ thuật có giá trị trong văn hoá Việt Nam.


PV: Bây giờ thì ca trù đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, điều này có ý nghĩa như thế nào đối loại hình nghệ thuật này, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện
: Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới là điều có ý nghĩa hết sức quan trọng vì rằng từ đây, di sản ca trù của Việt Nam đã chính thức được thế giới ghi nhận và chính thức là một di sản quý giá mà Việt Nam đóng góp vào kho tàng văn hóa nhân loại. Bên cạnh đó, danh hiệu này cũng xác nhận ca trù là một di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp tức là nó đang đứng bên bờ vực thẳm mai một.

Khi được liệt vào danh sách này, ca trù có cơ hội được UNESCO giúp đỡ, hỗ trợ để gìn giữ, bảo tồn thông qua các quỹ về văn hóa và giáo dục, thông qua các tổ chức phi chính phủ trên khắp thế giới. Sự giúp đỡ này không chỉ thể hiện bằng tiền bạc, mà còn về phương tiện kỹ thuật, tập huấn về phương pháp, hội thảo khoa học, tổ chức các liên hoan nghệ thuật…

PV
: Rất nhiều nhà văn hóa cho rằng muốn bảo tồn được di sản văn hóa phi vật thể thì phải bảo tồn được không gian văn hóa. Nói đến không gian văn hóa của Cồng chiêng Tây Nguyên thì có thể dễ hình dung, vì nó gắn với một vùng đất cụ thể. Vậy không gian văn hóa của ca trù là gì và nó ảnh hưởng thế nào đến sự bảo tồn của ca trù hiện nay?
 
 
 
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: Ca trù là môn nghệ thuật cổ truyền của người Việt. Phải nói rằng ca trù nay khác với ca trù xưa nhiều lắm. Khác nhau trước hết là ở chỗ ca trù xưa thì phong phú, đầy đủ, mà nay thì mất mát đi nhiều quá. Thư tịch cổ cho biết ca trù có đến 99 thể cách. Trong đó loại thể cách hát lên được, tức là làn điệu đã có tới 66 thể cách. Vậy mà nay, các đào nương già cũng biết chỉ khoảng mười lăm điệu. Lục tìm trong kho băng đĩa lưu trữ tại Viện Âm nhạc và Đài Tiếng nói Việt Nam, thấy có tư liệu của 26 điệu ca trù. Tức là chỉ từng ấy điệu mới có thể phục hồi được mà thôi. Các giáo phường ca trù đã không còn được tiếp nối như nền nếp xưa. Việc thờ tổ ca trù cũng đã mai một, và nếu có thì cũng được duy trì một cách tự phát.


Cái khác lớn nhất giữa xưa và nay là không gian, không khí ca trù, hay còn gọi là văn hóa ca trù thì đã mất thật rồi. Đâu còn những đêm hội làng, các đào kép về hát thờ Thành hoàng theo lệ hàng năm? Đâu còn những ca quán nhộn nhịp khách văn nhân? Đâu còn những cuộc khao vọng, khai trương cửa hiệu có vời đến đào kép ca trù, để tùy việc tùy duyên mà thưởng ngoạn câu thơ khổ phách cung đàn ca trù? Người nghe đã khác xưa nhiều. Đào kép cũng khác xưa nhiều. Không gian văn hóa của việc thưởng ngoạn ca trù càng khác xưa. Đó là một điều khác nhau lớn nhất của sinh hoạt ca trù xưa và nay.


Nhưng mà, xã hội càng văn minh hiện đại, thì văn hóa truyền thống càng có sức hấp dẫn riêng. Thưởng ngoạn văn hóa cổ truyền khi ấy sẽ chính là tìm kiếm lại trạng thái cân bằng tâm lý trong xã hội và trong mỗi con người. Vì thế, tôi tin rằng, người ta sẽ tìm đến với chiếu hát ca trù, khi người ta cần một trạng thái cân bằng sau tất cả những gì mà cuộc sống công nghiệp đã cuốn họ đi. Tất nhiên, trên cái chiếu đó, trong cái nhà hát đó phải là những nghệ sỹ thực sự, và tiếng hát ấy phải là ca trù đích thực, tức là “ca trù ra ca trù”.
 

PV: Với những cách tân táo bạo như việc kết hợp giao hưởng vào cồng chiêng, đưa body art vào lễ hội Đền Lảnh Giang, Quan họ chỉ còn hát mang tính đối thoại… theo giáo sư Tô Ngọc Thanh là đã phá bản sắc của văn hóa, chỉ còn mang tính “sân khấu hóa”, mang tính “diễn trò” và “thực dụng hóa” tâm linh của mỗi lễ hội. Trong khi các nhà nghiên cứu lão làng đòi hỏi phải giữ nguyên bản sắc, giữ nguyên bộ gene của di sản thì nhiều người lại cổ vũ cho những sáng tạo, những cách tân trong việc phục dựng vốn di sản vật thể và phi vật thể. Làm thế nào để hài hòa được hai xu hướng này để ca trù “sống” được trong đời sống cộng đồng, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: Bảo tồn và phục hồi nghệ thuật ca trù như thế nào là vấn đề đã và đang được đặt ra, mang tính cấp bách. Ca trù chỉ có một đối tượng nghe, đối tượng thưởng thức của riêng mình. Không thể yêu cầu tất cả mọi người đều thích ca trù được.

Theo tôi, muốn phục hồi lại ca trù phải phục hồi được chủ thể của ca trù là người hát (đào), người đàn (kép) và người nghe (trước đây là các quan viên, giờ là công chúng). Cần khuyến khích các đào nương truyền nghề lại cho thế hệ trẻ, dạy đàn, dạy gõ phách, dạy cả công chúng biết cách cầm chầu để thưởng thức. Tuy nhiên, cách thức truyền dạy phải đúng theo lối cổ hồi xưa, các cụ gọi là "bắt tay chỉ ngón". Không thể đào tạo ào ào được.


Có một thực tế là việc dạy và học đàn và trống không quá khó khăn, không đòi hỏi sự đặc biệt về năng khiếu, trong khi hát thì đòi hỏi rất cao, vì tiếng hát ca trù vô cùng độc đáo. Những người có một giọng hát trời phú đủ để học ca trù rất hiếm hoi, bởi vậy người hát thành công bây giờ hầu như không có ai. Người ta vẫn có thể hát đúng làn điệu nhưng hát hay như ngày xưa, tức là tiếng hát vừa đẹp, vừa có hồn thì rất hiếm. Tất nhiên chúng ta không nên bi quan, thực ra ngày xưa ở ngoại vi Hà Nội (năm 1938) có tới 216 quán ca trù, với cả ngàn đào nương hoạt động nhưng đọng lại trong lòng người nghe thì số đó cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hiện nay, bằng cách này hay cách khác, các nghệ nhân xưa vẫn cứ truyền dạy cho các học trò của mình. Nhưng họ không hề được quan tâm, không có một chế độ gì cả. Trong khi đó, người ta mở các cuộc liên hoan, tốn kém cả vài trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng, nhưng không bỏ ra được một số tiền nhỏ cho các nghệ nhân độ nhật. Những nghệ nhân này không có biên chế. Họ ở các vùng quê xa xôi và đang nối tiếp nhau đi về nơi suối vàng, đem theo cả những ngón nghề độc đáo mà để có nó, nhiều khi họ phải đánh đổi bằng cả cuộc đời của họ. Xin đưa ra con số thế này, năm 2006 Viện Âm nhạc thống kê được 21 nghệ nhân ca trù lão thành, nhưng đến nay, chỉ còn lại 12 nghệ nhân còn sống.


Ca trù là nghệ thuật được nuôi dưỡng trong dân gian, do các nghệ nhân dân gian nắm giữ và truyền dạy về nghề để phục vụ các sinh hoạt văn hóa của dân gian, vì thế việc “can thiệp” một cách nôn nóng, “duy ý chí” là một điều rất nên tránh. Nói như vậy là khi muốn bảo tồn và phục hồi ca trù thì phải tôn trọng tính chất dân gian của nghệ thuật này. Điều này thể hiện từ việc tôn vinh nghệ nhân (việc công nhận một nghệ nhân được các nghệ nhân khác chấp nhận), truyền dạy theo lối của dân gian (truyền khẩu) đến cung cách hành nghề (ca trù là nghệ thuật thính phòng thì không thể đem ra làm nghệ thuật đường phố, khi nghe hát thì khách không ăn uống thô tục)…
Bảo tồn ca trù là phải tìm cho nó một chỗ đứng trong đời sống đương đại. Việc bảo tồn phải được tiến hành thường xuyên lâu dài. Không phải làm ào một cái rồi sau vài tháng không ai để ý gì nữa. Những tuyên bố hành động đã được nói rất hay, được trình bày rõ trong hồ sơ và được UNESCO đánh giá rất cao. Nhưng vấn đề là thực hiện như thế nào?
 

PV: Nói theo nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thì “Ca trù là một món hương hỏa tổ tiên để lại”. Các thế hệ bắt đầu đến trường mầm non hôm nay sẽ ứng xử với “món hương hỏa” này như thế nào, đó là điều mà tôi không hình dung ra nổi sau vài chục năm nữa. Anh có sự tiên đoán gì cho di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp này trong tương lai xa?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: À, đây là vấn đề mà một số người đã nói đến, tức là đưa ca trù vào trong nhà trường. Tôi thấy trong suốt chương trình phổ thông chỉ có sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 tập 1 có giới thiệu về ca trù (hát nói), với hai tác giả và hai tác phẩm. Đó là Nguyễn Công Trứ với bài hát nói Bài ca ngất ngưởng và Chu Mạnh Trinh với bài Bài ca phong cảnh Hương Sơn (Hương Sơn phong cảnh ca). Tôi nghĩ rằng hát nói ca trù phải có vị trí xứng đáng hơn trong các giáo trình văn học sử, trong hệ thống sách giáo khoa và trong các hợp tuyển, tuyển tập. Vị trí này cần được xác lập không chỉ bằng sự đánh giá mà còn bằng thời lượng thích đáng trong chương trình giảng dạy cũng như cung cấp cặn kẽ những đặc điểm về thể loại, các tác giả tác phẩm tiêu biểu của hát nói.

Ngoài ra, đây là một thể loại văn học đặc biệt, lại cũng là một làn điệu ca trù, là một thể loại “tổng hợp giữa ca nhạc và thơ” nên khi giảng những bài hát nói, cần cho học sinh được nghe/xem biểu diễn các bài hát nói ca trù qua băng cát-xét, đĩa CD, VCD, DVD hoặc trực tiếp nghe các đào nương ca trù trình diễn. Và thực sự là đã có một số cô giáo dạy văn, khi dạy đến bài Bài ca phong cảnh Hương Sơn đã tìm đến tôi để xin một CD bài hát này về mở cho học sinh nghe.


Như vậy, nhìn về tương lai xa, đưa được ca trù vào sách giáo khoa, vào chương trình giảng dạy của các cấp học phổ thông, cũng là góp phần để ca trù sẽ tồn tại mãi với chúng ta.

Nguyễn Đình Tú (thực hiện)
http://nguyenxuandien.blogspot.com/2009/11/ca-tru-nghe-thuat-cua-am-thanh-ong-vong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét