Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

LÊ THỊ HIẾU DÂN : Nhạc Khị - Người khai sinh cổ nhạc Bạc Liêu

Nhạc Khị - Người khai sinh cổ nhạc Bạc Liêu
Cập nhật ngày: 25/02/2011

Trước thế kỷ 20, cổ nhạc ở Bạc Liêu đã phát triển khá mạnh, nhưng còn mang tính gia truyền, tự phát nên chưa phát huy được vai trò và chức năng quan trọng của nó. Đến năm 1900, ông Lê Tài Khí, thường gọi là Nhạc Khị, đứng ra thành lập Ban cổ nhạc Bạc Liêu.
Lúc đầu, ban nhạc này chỉ có một bộ phận duy nhất là một tập thể thầy đờn chuyên phục vụ ma chay, cúng kiếng, tế lễ. Sau đó ít lâu, để đáp ứng theo yêu cầu của người hâm mộ, ban nhạc dần dần được bổ sung những người biết ca để phục vụ sau giờ hành lễ. Từ khi ban nhạc có thêm bộ phận ca thì phạm vi hoạt động cũng nới rộng sang các đám cưới gã, tiệc tùng, liên hoan tiếp tân, khánh tiết...
Và cũng từ đó, cái tên "Đờn ca tài tử Bạc Liêu" cũng được dùng để gọi loại hình hòa tấu cổ nhạc "có đờn lẫn ca" để phân biệt với loại hình "có đờn không ca". Nhạc Khị được anh em nghệ sĩ ở đây tôn vinh là Hậu Tổ, người khai sinh ra trường phái cổ nhạc Bạc Liêu.
 
 Đại diện gia đình cụ Nhạc Khị (giữa) và cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhận bằng chứng nhận và Kỷ niệm chương Nghệ nhân dân gian.                                                                        Ảnh: ST
Nhạc Khị sinh năm 1870, trong một gia đình có gia tộc nhiều đời ở thôn Láng Giài, tổng Thạnh Hòa, hạt Ba Xuyên (nay thuộc ấp Láng Giài, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Thân phụ ông là cụ Lê Văn An, người có dòng máu nghệ sĩ, một trong những ông "bầu" hát bộ đầu tiên ở Bạc Liêu.
Nhạc Khị được sinh ra trong một gia đình nghèo, bản thân lại mang dị tật, hai mắt bị mù, một bên chân bị liệt, đi đứng rất khó khăn. Cụ An vốn là thầy đờn, thấy con mình bị tật nguyền không thể học nghề nào khác, nên đã đem tất cả năng lực và sự hiểu biết của mình về nhạc để truyền thụ lại cho con.
Nhạc Khị bẩm sinh có trí nhớ tuyệt vời, chỉ cần nghe ai đàn hoặc ca bất cứ bài bản nào trong một hai lần là ông có thể đàn hoặc ca lại giống y như thế.
Là người có lòng yêu nước nồng nàn, nhưng bản thân bệnh tật, biết không thể đóng góp cho dân, cho nước điều gì ngoài việc dùng lời ca tiếng nhạc để khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân, Nhạc Khị đã ra công hiệu đính, chấn chỉnh các bài bản xưa và cho ra đời một loạt các sáng tác mới.
Mỗi sáng tác của ông là mỗi hình ảnh thể hiện tinh thần yêu nước sâu đậm như bài "Nam ai Tô Huệ chức cẩm hồi văn" được ông rút ra chủ đề "chinh phụ vọng chinh phu", một chủ đề rất phù hợp với hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ.
Đó là hình ảnh người vợ đang dõi mắt trông ngóng người chồng nơi biên ải, làm cơ sở khuyến khích cho học trò và các thành viên ban nhạc của ông sáng tác. Nhờ đó mà sáng tác đã trở thành phong trào, các học trò và thành viên ban nhạc của ông thi nhau sáng tác.
Không bao lâu sau, ban nhạc của ông có được nhiều bài ca mới. Riêng Nhạc Khị cũng sáng tác được nhiều nhạc phẩm lưu bố rộng rãi trong dân gian Nam Bộ từ đầu thế kỷ 20, điển hình như bản Ngự giá đăng lâu (14 câu nhịp 4), Ái Tử Kê(12 câu nhịp 4), Minh Hoàng thưởng nguyệt (18 câu nhịp 4) ,và Phò mã giao duyên (12 câu nhịp 4), được các nghệ sĩ thời đó gọi là Tứ Bửu.
Nhạc Khị là người tiên phong xây dựng phong trào ca nhạc tài tử và ca ra bộ ở Bạc Liêu. Ông có công hệ thống hóa và chỉnh tu các loại bài bản nhạc cổ ở Nam Bộ, sáng tác những nhạc phẩm không những có nhiều ưu điểm về mặt nghệ thuật mà còn có tác dụng cổ vũ tinh thần yêu nước của người miền Nam trong những ngày đầu của thế kỷ 20.
Chủ trương sáng tác của ông rất phù hợp với nghĩa nước, lòng dân và hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ nhưng lại rất đậm đà bản sắc dân tộc. Nhạc Khị cũng là người có công lớn trong việc đào tạo nhiều nhạc sĩ tên tuổi như: Sáu Lầu, Cai Đệ, Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Hai Tài, Mộng Vân, Thiện Thành, Trịnh Thiên Tư, Hai Tố, Tư Quận, Năm Phát, Chín Khánh, Sáu Gáo, Tám Tu, Mộc Thái, Năm Nhỏ, Năm Nhu, Lý Khi... tạo được lực lượng hùng hậu cho các ban nhạc cổ truyền, các phong trào đờn ca tài tử, ca ra bộ, và cho sân khấu cải lương buổi ban đầu.
Nhạc Khị mất vào ngày 12/8/1948. Với công lao đóng góp cho nền nhạc cổ Bạc Liêu, Nam Bộ nói chung, nên một số lớn ca, nhạc sĩ ở Nam Bộ tôn ông là Hậu Tổ. Hằng năm, học trò, đồng nghiệp, bè bạn đều về dự lễ giỗ ông và thành tâm chiêm bái, tưởng niệm người nhạc sĩ tài hoa đã khai sinh ra trường phái cổ nhạc Bạc Liêu đầu thế kỷ 20./.
Lê Thị Hiếu Dân
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét