Đặc sắc cổ nhạc Bạc Liêu
Cập nhật ngày: 06/08/2012 08:13:26
(ĐCSVN) - Bạc Liêu được nhiều người biết đến là tỉnh có tài nguyên thiên nhiên phong phú, được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật có giá trị. Nhiều người còn biết đến Bạc Liêu vì đây là một mảnh đất giàu tình nghĩa và đậm chất thi ca. Bạc Liêu còn được biết đến như một chiếc nôi của cổ nhạc Nam Bộ mà bản Dạ cổ hoài lang là một ví dụ điển hình.
Cổ nhạc Bạc Liêu thắm đượm tình quê. Nó như làn hương thoảng nhẹ, lan toả khắp trời Nam và bay đến tận những miền xa, nơi đâu có người Việt Nam sinh sống. Giới nghệ sĩ cải lương không ai không biết đến Nhạc Khị - Hậu tổ cổ nhạc Bạc Liêu - "Một con người đã đi vào huyền thoại", nghệ sĩ Bảy Kiên - "Giọng ca vàng của những năm đầu thế kỷ XX", Cao Văn Lầu - "Ngôi sao sáng của cổ nhạc Việt Nam", Ba Chột - "Một nhạc sĩ kỳ tài ở Bạc Liêu"..... Song ít ai biết được rằng, các nghệ nhân, các bậc anh tài đó đi lên từ những luống cày kết dính những hạt phù sa màu mỡ mang hương vị đậm đà của quê hương Bạc Liêu. Dù có đi đâu hay sinh sống trên mảnh đất này, tất cả họ đã chung tay, tiếp nối bằng cả sự đam mê và sáng tạo nên dòng chảy âm nhạc đờn ca tài tử - cải lương không hề vơi, không bao giờ ngừng nghỉ. Với các điệu nhạc ngũ cung học đã làm nên những điều kỳ diệu, góp với đời những sắc màu để tạo nên vườn hoa nghệ thuật nước nhà đầy mật ngọt, hương thơm.... Đầu thế kỷ XX, ở Nam Bộ đã hình thành nhiều nhóm ca nhạc hoạt động dưới hình thức tài tử và nhanh chóng phát triển khắp lục tỉnh Nam kỳ. Các nhóm này hình thành nhiều trường phái do đặc thù của mỗi vùng, miền, chủ yếu là nhóm miền Đông và nhóm miền Tây. Ở Bạc Liêu có Ông Nhạc Khị và Sư Nguyệt Chiếu. Các ông và học trò của mình đã ra sức nghiên cứu, canh tân, hiệu đính các bài nhạc lễ cổ truyền, cải biên các bài bản của ca Huế, tiếp thu các giá trị đặc sắc của âm nhạc dân gian vùng miền, để tạo nên loại hình âm nhạc có giai điệu và nội dung phù hợp với ngôn ngữ, phong cách, tâm hồn, tình cảm của người dân Nam Bộ. Thập niên 30 của thế kỷ XX, hoạt động đờn ca tài tử ở Bạc Liêu phát triển rất mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Tiếng vang của phong trào lan rộng khắp các tỉnh thành Nam bộ. Các nghệ nhân đờn ca tài tử Bạc Liêu xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng nổi bật trong giới đờn ca tài tử Nam bộ, nhiều người đã trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp và hầu hết đều do Nhạc Khị đào tạo như : Sáu Lầu, Cai Đệ, Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Hai Tài, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Năm Nhỏ, Lý Khi, Tư Quận, Hai Tố, Năm Phát, Chín Khánh, Sáu Gáo, Mộc Thái, …hoặc do Sư Nguyệt Chiếu rèn luyện như: Nghệ sĩ Lư Hoà Nghĩa, Sanh Xía, Chín Quy, Thiện Ý, Thiện Ngộ, Thiện Thành… Thời gian này, ở Bạc Liêu phổ biến chủ yếu là 20 bài bản tổ mà Nhạc Khị và Sư Nguyệt Chiếu có công canh tân, hiệu đính. Ngoài ra các nghệ sĩ Bạc Liêu còn đóng góp hàng trăm bản nhạc từ nhạc bản cũ đặt lời mới. Điểm nổi bật là các nhạc sĩ Bạc Liêu thế hệ thứ hai như Ba Chột, Trịnh Thiên Tư, Sáu Lầu, Năm Hưng, Năm Nghĩa, Tư Bình, Mộng Vân, Ba Khi, Hai Thơm, ngoài việc đặt lời mới cho các bản nhạc còn cất công sáng tác hàng trăm bài bản mới (cả nhạc lẫn lời) nổi tiếng và phổ biến khắp lục tỉnh Nam kỳ. Năm 1919, bản “Dạ cổ hoài lang” nhịp 2 của nghệ sĩ Cao Văn Lầu ra đời. Từ nỗi niềm riềg tư của một đôi vợ chồng trẻ, “Dạ cổ hoài lang” đã trở thành nỗi niềm chung được các nghẹ nhân và đông đảo công chúng mộ điệu đón nhận. Chính dòng chảy của Bài Dạ cổ hoài lang có xuất xứ từ Bạc Liêu bắt đầu từ nhịp 2, rồi mở rộng ra nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32 và nhịp 64 đã mở ra một trào lưu sáng tác mới, mở đường cho các nghệ nhân, nghệ sĩ thể hiện dấu ấn của mình qua phong cách trình diễn; đồng thời định hình cho một dòng chảy âm nhạc cổ truyền của dân tộc xuyên suốt trong lịch sử âm nhạc nước nhà, đó là vọng cổ. Bản vọng cổ nhanh chóng trở thành bài ca chủ chốt trong hoạt động đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam bộ cho đến tận ngày nay. Bài Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã thực sự đánh dấu công cuộc khai phá vùng đất cổ nhạc Nam bộ. Theo nhà văn Sơn Nam, vào thời điểm đó ở Tiền Giang, Sa Đéc, Cần Thơ, Bến Tre, Gò Công cũng có vài nghệ nhân sáng tác nhiều bài phổ biến ở địa phương nhưng cũng chỉ tồn tại được vài năm nhưng trường hợp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu như diều thả lên trời cao liền gặp cơn gió lộng. Khi bài Dạ cổ hoài lang ra đời năm 1919 thì không những ở Bạc Liêu mà cả vùng đất Nam bộ, phong trào đờn ca tài tử cũng như sân khấu cải lương càng lúc càng phát triển mạnh mẽ. Đến năm 1935 ở Việt Nam công nghệ đĩa hát bắt đầu xuất hiện đã tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ mang lời ca tiếng đờn của mình vang vọng trong Nam ngoài Bắc. Lúc này trong phong trào đờn ca tài tử hình thành lối trình diễn kỹ xảo cá nhân, các nghệ nhân, nghệ sĩ có nhu cầu tạo dấu ấn của mình rõ nét hơn trong tác phẩm mà mình trình diễn. Chất giọng và làn hơi của ca sĩ cũng như cách nhấn, nhá, vuốt, kéo các ngón đờn của nghệ nhân ngày càng thể hiện nhuần nhuyễn.
Làn điệu nói thơ Bạc Liêu được nghệ nhân Thái Đắc Hàng sáng tạo vào năm 1946 tại ấp Bàu Tròn, Xã Tân Hưng Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Bạc Liêu cũ. Ông Thái Đắc Hàng tham gia cách mạng năm 1945, đầu tiên là dạy học, sau đó phân công làm cán bộ thông tin tuyên truyền xã Viên An, rồi làm đội phó Đội Thông tin lưu động huyện Ngọc Hiển. Điệu nói thơ Bạc Liêu đang bị mai một, môi trường ca diễn hầu như đã không còn trên thực tế, hình thức tập hợp quần chúng để cổ động như thời kỳ chiến tranh không còn thích hợp nữa, hơn nữa các bài thơ lục bát dùng cho nói thơ Bạc Liêu thường là những bài thơ dài mà cuộc sống nhộn nhịp của xã hội hiện đại không có thời gian để cho làn điệu nói thơ thể hiện. Do đó để tiếp tục tồn tại điệu nói thơ Bạc Liêu đã tìm cách biến hoá, thay đổi, thâm nhập vào nhiều lĩnh vực. Từ dân gian điệu nói thơ đã bước vào âm nhạc hiên đại, nhảy lên sân khấu ca kịch cải lương, điện ảnh, quảng cáo... Trong thực tế, làn điệu này chỉ còn tồn tại trong ký ức của những người già; giới trẻ Bạc Liêu ít người còn biết đến làn điệu này. Tuy nhiên với bản chất là làn điệu dân ca dân gian được sản sinh ra trong vùng đất Bạc Liêu giàu truyền thống nghệ thuật nên điệu nói thơ Bạc Liêu tiếp tục được dân gian nuôi dưỡng và cố gắng tự cách tân để tồn tại theo dòng chảy của âm nhạc dân tộc. Hò chèo ghe Bạc Liêu là một làn điệu dân ca mang hình thức diễn xướng của cư dân Bạc Liêu hình thành trong môi trường chèo xuồng, ghe trên sông nước có từ thời khẩn hoang nhằm gửi gắm tình cảm, bày tỏ nỗi lòng của mình cho con người và thiên nhiên. Ngày nay trong điều kiện phát triển của xã hội hiện đại, hò chèo ghe hầu như không còn tồn tại trong thực tế, môi trường hò đã bị thu hẹp, điều kiện sông nước thuận lợi cho các sinh hoạt chèo ghe, xuồng hầu như không còn. Từ đó làn điệu hò cũng mai một dần, hầu như chỉ tồn tại trong ký ức của con người mà chủ yếu là ký ức của những người lớn tuổi. Để tiếp tục tồn tại và phát triển, hò chèo ghe Bạc Liêu đã thâm nhập vào nhiều bộ môn nghệ thuật khác, hò chèo ghe thâm nhập vào vọng cổ, tân nhạc, điện ảnh. Sự tồn tại và biến đổi phù hợp theo hoàn cảnh xã hội này của hò chèo ghe đều mang tính dân gian, tự phát. Với những nét gần gũi, trữ tình và với chủ trương bảo tồn phát, huy giá trị văn hoá truyền thống, hy vọng rằng hò chèo ghe Bạc Liêu sẽ được bảo tồn, phát huy và thích ứng với cơ chế thị trường, phục vụ cho yêu cầu phát triển của đất nước. Ngày nay, thế giới đang tìm về những giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc. Mặt khác, Đảng và Nhà nước ta đang mở cửa hội nhập quốc tế để tiếp thu những tin hóa văn hóa nhân loại, song “những luồng gió độc hại” cũng từ đó xâm nhập vào nước ta. Chính vì thế xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một yêu cầu bức thiết. Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của từng vùng, miền, địa phương, dân tộc – trong đó có cổ nhạc Bạc Liêu - sẽ góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa nước nhà./. | ||||
Theo Lê Văn Dững Dangcongsan.vn |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét