Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Đệ nhất trống chầu Hoàng Kỷ



Đệ nhất trống chầu Hoàng Kỷ
Ông sinh ngày 15 – 8 – 1928 tại làng Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Năm nay đã 82 tuổi nửa đời người mặc áo lính trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979.

Ông đến với ca trù từ tuổi nhi đồng, bố ông là 1 người biết nhiều chữ hán, thích đánh trống chầu, hai cô ruột con ông chú ở bên cạnh nhà ông hát ca trù rất giỏi. Ông được học chữ hán từ nhỏ, ông rất thích lời thơ của các bài hát ca trù vì nó uyên thâm, ý tứ sâu xa. Ông vào phường bát âm từ 12 tuổi, học sinh tiền thổi sáo, kéo nhị thường phục vụ cho tế lễ ở Đình, thường tiếp xúc với giáo phường ca trù múa hát ở Đình. Nên từ đó ca trù cứ ngấm vào từ bao giờ cũng không hay.
Khi về nghỉ hưu năm 1988 Ông bắt tay vào nghiên cứu, sưu tầm ghi chép lại từng bài từng điệu múa và giúp chính quyền thôn xây dựng đề án Câu lạc bộ ca trù và CLB ca trù Lỗ Khê đã được thành lập tháng 11/1995, ông chuyên về sưu tầm, sáng tác và đánh trống chầu, để góp phần cùng Câu lạc bộ giữ gìn không để ca trù thất truyền.
Cho đến nay ông đã góp phần đào tạo hàng chục trai gái trong làng biết đánh trống chầu. Tuyển dạy cho các bạn trẻ biết múa Dâng hương hay Cung đình, biết múa Tứ linh, múa Tiên.
Tại vườn hoa Lý Thái Tổ đầu tháng giêng vừa qua, hai điệu múa đã được Chủ tịch UBND thành phố cấp bằng khen.
Năm 2008 – UBND huyện Đông Anh cấp giấy khen cho ông về hoạt động văn hóa ca trù.
Ông đã ghi chép các các nghiên cứu, sưu tầm của ông thành 3 tập sách:
-         Các bài hát Cửa đình của giáo phường xưa
-         Các bài múa ca trù của giáo phường xưa
-         Các bài hát lời mới do Ông sáng tác.
Ngoài ra, Ông còn truyền dạy cho 1 nữ sinh người Pháp, hướng dẫn cho cô nội dung các thể cách múa hát Cửa đình để cô làm luận án tiến sỹ.
Hiện nay, ngoài công việc truyền dạy tại làng Lỗ Khê và vẫn tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu ông còn là Cố vấn đặc biệt của Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long.
Tuy đã 82 tuổi,  mắt đã kém đi rất nhiều, ông vẫn miệt mài tìm tòi nghiên cứu và truyền dạy ca trù cho các thế hệ sau. Mong ước lớn nhất của ông giờ đây chỉ là làm sao để ca trù không bị mai một, không bị lai căng, mong sao có ngày càng nhiều hơn những người quan tâm để gìn giữ môn nghệ thuật này.

Ông được mệnh danh là Đệ nhất trống chầu nhưng những cống hiến của ông dành cho ca trù đã cho thấy " Đệ nhất trống chầu" cũng chưa đủ để nói hết về Ông.

http://www.vietnamcatru.com/vi/nghe-thuat-ca-tru/guong-mat-nghe-sy/87-de-nhat-trong-chau-hoang-ky.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét