Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

NGUYỄN PHÚ QUỐC : CẢI LƯƠNG & BÀI DẠ CỔ HÒAI LANG : HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Cải Lương





 Cách đây ít lâu, tôi có dịp nghe đài SBS Melbourne phát thanh “Bài Ca Vọng Cổ”, một truyện ngắn của nhà văn Tiểu Tử, để phản bác lại luận điệu chê bai bộ môn cải lương vọng cổ do ông Nguyễn Hữu Liêm viết trên báo Talawas.
Nhà văn Tiểu Tử, trong câu chuyện, có kể rằng: Trên bước đường di tản, ông đến tận Paris và nhờ bạn bè, ông được làm việc cho công ty Đường Mía, xa Paris.Một hôm, có việc về họp ở công ty và trong khi chờ máy bay tại phi trường nhỏ nơi vùng quê hẻo lánh, thì ông nghe văng vẳng từ xa một giọng ca vọng cổ mùi mẫn. Lần theo tiếng hát, thì ông vô cùng ngạc nhiên thấy chàng ca sĩ tài tử lại là một thanh niên da đen
Trong câu chuyện tâm sự giữa hai người, tác giả Tiểu Tử và chàng thanh niên da màu, người đọc biết được chàng thanh niên nầy có cha là lính Châu Phi và mẹ là người Việt nam ở Vũng Tàu.
Chàng ta trãi qua tuổi trẻ nơi quê ngoại, nên nền văn minh miệt vườn đã in sâu vào tâm trí và bài ca vọng cổ mà chàng đã bị tiêm nhiễm ở tuổi thơ, giờ đây chàng mang qua tận trời Phi.
Cảm động trước một tâm hồn đầy ấp tình yêu quê hương, luôn thương về quê mẹ, nên tác giả Tiểu Tử buộc miệng, hỏi rằng: Trong mấy triệu người tỵ nạn buồn, sống khắp thế giới còn được bao nhiêu người nhớ bài ca vọng cổ, một điệu ca mà một chàng thanh niên da màu chỉ có năm chục phần trăm Việt Nam, nói bài vọng cổ là không lai Âu, lai Á gì hết, một điệu ca đặc thù của người Việt Nam.
Là một người yêu vọng cổ, mê cải lương, tôi muốn thưa cùng nhà văn Tiểu Tử là tỷ lệ những người Việt Nam tỵ nạn còn nhớ đến bài ca vọng cổ rất cao. Cải lương, vọng cổ là một cô gái đẹp, Nàng đi từ bước “ca ra bộ” để rồi hơn nửa thế kỷ sau, Nàng trở thành một tiểu thơ khuê các mà cầm kỳ thi họa là nghề của mình.
Bây giờ chúng ta hãy theo những bước Nàng đã đi trên quê hương mến yêu:
 Trước năm 1910, các tỉnh Nam kỳ không có dàn đờn cổ nhạc, chỉ có dàn đờn nhạc lễ thường dùng cho các cuộc ma chay. Mỗi khi có đám tang, vào lúc canh khuya, sau buổi tế lễ, tụng kinh, thường thấy các thầy nhạc và thầy chùa được gia chủ nấu cháo để đãi ăn mà thức sáng đêm. Trong dịp nầy, họ hòa đờn, tập ca cho đúng nhịp để khỏi buồn ngủ. Lần lần thành thói quen, mỗi dịp quan hôn tang tế, ăn tân gia, thăng quan tiến chức, đám giổ, đám cưới thường có mời dàn nhạc đến giúp vui cho thêm phần long trọng. Đến năm 1910 mới bắt đầu có dàn nhạc xuất hiện nơi công cộng mà Mỹ Tho là điểm khởi đầu
Dàn đờn tài tử ra đờn cho khán giả thưởng thức trước khi coi phim là dàn đờn của Ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều). Ông Tư Triều là thân phụ của Cô Hai Nhiễu, Cô từng ca thính phòng tại nhà hàng Cửu Long Giang (Sàigòn) làm say đắm khách mộ điệu thuở ấy.
Rạp hát bóng Thầy Hộ ở sau chợ Mỹ Tho cũng như nhà hàng Cửu Long Giang là nơi dàn đờn Tư Triều đến đờn và ca vài bản trước tấm màn trên sạp cao mỗi tối thứ tư và thứ bảy. Như vậy, là lối ca trước công chúng và trên sân khấu bắt đầu. Cũng nên nhắc lại ban tài tử của ông Nguyễn Tống Triều do ông đờn kìm, Chín Quán đờn độc huyền, Mười Lý thổi tiêu, Bảy Vỏ đờn cò, Cô Hai Nhiễu đờn tranh và ca, Cô Ba Đắc ca. Bài ca được hoan nghinh nhứt thuở đó là bản Tứ đại oán “Bùi Kiệm- Nguyệt Nga”. Cô Ba Đắc vừa ca vừa ra bộ rất vui nên khán giả khen thưởng nhiều.
Năm 1911, Ông chủ Minh Tân khách sạn, ngang ga xe lửa Mỹ Tho, mời ban tài tử Tư Triều đến đờn ca nên thu hút được nhiều khách. Cũng nên nhắc lại là nhờ mở mang đường xe lửa Sàigòn Mỷ Tho nên việc lưu thông giữa Sàigòn Mỹ Tho và các tỉnh hai bên đường rầy dễ dàng cũng góp phần phát triển bộ môn đờn ca tài tử.
Tuy nhiên cải lương lúc nầy cũng vẫn còn là phôi thai. Cải lương được sanh nhờ những yếu tố sau đây:
Cải luơng được sanh ra do sự tình cờ và cũng do lòng ái quốc của dân tộc. Trong những năm dài bị Tàu và Pháp đô hộ, dân Việt Nam luôn tìm mọi cách để giữ cho tinh thần quốc gia còn được tồn tại. Vì vậy phải nói yếu tố chính trị của thế chiến 1914-1918 có ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ môn cải lương.
1. Yếu tố chính trị:
Sau thế chiến lần thứ nhất, Pháp may mắn thắng trận, cho nên quan toàn quyền Albert Sarraut mới nới tay, nhắm mắt cho phép một số trí thức bày ra chuyện hát xướng để lấy tiền giúp mẫu quốc sau chiến tranh. Nhờ đó số trí thức nầy chỉnh đốn, sửa chữa hát bội ra một nghệ thuật trình diễn khác gọi là cải lương. Một cơ hội rất may, là người Miền Nam lúc đó biết thừa dịp mà lập hội, lập gánh hát vì năm 1918 quan toàn quyền Albert Sarraut muốn để cho dân thuộc địa quên việc mất nước mà không chống đối, nên cho dân tha hồ hát xướng, nhờ đó nghề đờn ca được trau dồi và đưa nghệ sĩ lên sân khấu.
2. Yếu tố nhân hòa:
 Những người có lòng và những nghệ sĩ có công với những bước đầu của cải lương:
Tống Hữu Định: Thuộc hàng công tử, giàu có, hào hoa phong nhã bực nhứt đất Vĩnh Long, còn được gọi Thầy Phó (Phó Tổng) Mười Hai. Ông hay tổ chức đờn ca, tiệc tùng, thi ca đủ thứ. Thầy Phó có tổ chức hát lưu diễn để giúp quốc trái trong thế chiến 1914-1918. Trước đó thầy đã từng đến rạp hát bóng Thầy Hộ cũng như từng ăn uống ở nhà hàng Cửu Long Giang để nghe đờn ca tài tử do đó thầy bày ra đờn ca ngồi trên bộ ván ngựa.
Kinh Lịch Huờn (Quờn): Ông giỏi chữ Nho, sở trường đặt bài ca, thịnh hành nhứt là bản Tứ Đại Oán tại Vĩnh Long.
Phạm Đăng Đàng: Ông là thầy đờn kỳ cựu, danh tiếng, có tài, thiện nghệ cây đờn bầu (độc huyền). Ông đặt lời ca các bài Tứ Đại Oán.
Trần văn Chiều ( Bảy Triều) (1897-1931): Năm 1912, ông học Chasseloup, học hai năm tại đây, ông đã được thân phụ dạy đờn kìm rồi mới vào học Chasseloup nhưng chưa giỏi. Nhờ năng luyện tập, sẵn thiên phú nên tài năng ông càng ngày càng phát. Dây Tố Lan do ông sáng chế ra. Ông là thân phụ của giáo sư Trần Văn Khê và nghệ sĩ Trần Văn Trạch.
Trần Ngọc Viện: Bà thiện nghệ đờn tranh, từng dạy đờn tại trường Áo Tím (Gia Long) Bà lập gánh Nữ Đồng Ban tại Mỹ Tho. Bà có công rèn luyện một số đào cải lương, mà người nổi tiếng nhứt là Cô Năm Phỉ.
Hồ Văn Trung (Nhà văn Hồ Biểu Chánh): Ông cùng các bạn trong giới quan lại hay giới văn nhân như đốc phủ Lê Quang Liêm, Nguyễn Viên Kiều, Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Thành Phương v.v.. lập gánh hát có trình diễn tại nhà hát tây (Quốc Hội VNCH cũ), có đi lưu diễn các chợ lục tỉnh, hát tuồng Gia Long Tẩu Quốc, tuồng Pháp Việt Nhứt Gia. Gánh nầy diễn nữa hát bội, nữa kịch, xiêm y áo giáp thì theo xưa nhưng diễn xuất thì theo tân thời, nói suông, rõ ràng cho dễ nghe chớ không hát Nam hát Khách. Đây là khởi điểm để từ đó theo thời gian mà bộ môn cải lương thành hình qua những sự cải biến không ngừng.
Ông André Thận: Ông người Sa Đéc, lập gánh hát xiệc có thêm phần phụ diễn ca ra bộ có kép Bảy Thông, Tám Cang và đào Hai Cúc.
Thầy Năm Tú: (Châu văn Tú) Năm 1918, Thầy Năm Tú sang lại gánh hát của ông André Thận, mua thêm y trang, tranh cảnh, có soạn giả tiền phong giàu lòng yêu nước Trương Duy Toản từ gánh André Thận qua giúp lo phần tuồng tích. Gánh Thầy Năm Tú hát tại Mỹtho ba đêm, lên Chợ Lớn hát ba đêm tại rạp Eden.
Nên nói thêm là Thầy Năm Tú là người Mỹ Tho, du học bên Pháp, có đầu óc làm ăn, có rạp hát, biết thâu âm vô dĩa nhựa mà câu mở đầu bất hủ là “đây là ban hát cải lương của Thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho hát cho dĩa Pathé Phono nghe chơi”. Trên sân khấu của gánh hát thầy Năm Tú, cảnh trí được bày vẽ, có phong màn như kịch nhà hát tây, y trang đẹp mắt, tuồng tích hẳn hòi, lối trình diễn khác hẵn với hát bội đương thời, nên lúc nào cũng được khán giả ái mộ đông đảo.
Cô Tư Sự: Cô Tư Sự lập gánh Đồng Bào Nam ở Mỹ Tho.
Ông Hai Cu: lập gánh Nam Đồng Ban cũng ở Mỹ Tho, có nhiều đào kép danh tiếng vốn dân Mỹ Tho như cô Năm Phỉ, cô Bảy Phùng Há, ông Năm Châu, ông Hai Giỏi (chồng đầu tiên cô Năm Phỉ), cô Tư Sạng (vợ trước của ông Năm Châu). Cô Tư Sạng rất nỗi danh với bài “Tình mẫu tử” thâu thanh trên dĩa ASIA của thầy Năm Mạnh.
Ông Sáu Lầu: Nói chuyện cải lương là phải biết ông Sáu Lầu, vì ông là cha đẻ bản vọng cổ. Ông sinh ngày 22 tháng 12 năm 1892 tại Tân An, tỉnh Gia Định trong một gia đình nghèo sáu con. Cha tên Cao Văn Giỏi, mẹ tên Thạch Thị Tài. Gia đình nghèo nên di chuyển xuống U Minh để tìm đất sống. Tại đây, gia đình ra sức khai khẩn đất hoang để trồng lúa, đời sống vẫn vất vã, không khá. Họ lại tìm cuộc đất mới khác. Gia đình lại đến vùng đất Hòa Bình thuộc tỉnh Bạc Liêu để sinh sống. Chính tại đây về sau đã trở thành quê hương của bản vọng cổ.
Bạc Liêu có những nhạc sĩ nỗi danh đàn ca tài tử như Hai Khị, Bảy Kiên lẫy lừng đất Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ đã ảnh hưởng sâu đậm đến tâm hồn đa sầu đa cảm của cậu học trò Sáu Lầu. Chính nhạc sĩ Hai Khị là thầy dạy Cao Văn Lầu và có ảnh hưởng sâu xa đến sự nghiệp cầm ca của ông. Trong bước đường nghề nghiệp, ông Sáu Lầu đã từng chứng kiến các thân phận khổ đau của người dân nghèo, mộc mạc như ông thì trốn thuế thân, đàn bà thì nhớ thương chồng trong các hoàn cảnh khổ đau. Riêng thân phận ông thì do vợ chưa có con, cha mẹ bắt buộc ông phải cưới vợ khác do câu nệ về lễ giáo phong tục. Quá thương vợ nên ông lần lựa chưa cưới vợ khác. Do hoàn cảnh gia đình và cũng do chứng kiến nhiều nghịch cảnh xảy ra trong xã hội nên ông mượn điển tích “Nàng Tô Huệ chức cẩm hối văn” để diễn tả tâm trạng nhớ chồng của người phụ nữ. Ông đặt tên tác phẩm mình là “Hoài Lang”. Khi đưa lên sân khấu được đổi tên là “Vọng Cổ” . Sau được đặt tên nữa là “Dạ Cổ Hoài Lang” (Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng). Bài “Dạ Cổ Hoài Lang” được chính thức công nhận vào năm 1918. Các hảng dĩa và các đoàn hát khai thác bản vọng cổ từ đó đến nay.
Có nhiều dư luận phân vân, không biết ông Sáu Lầu có cưới vợ khác không?
Chúng ta nghe ông bầu Gánh Hoa Sen, tức nghệ sĩ Bảy Cao thuật lại chuyện tình của ông Sáu Lầu như sau:
“…Hồi đó chú sáu Lầu bị cha mẹ ruột buộc ông phải để vợ, vì chú sáu cưới thiếm sáu về ba năm rồi không có sanh con. Người xưa có câu “Tam niên vô tử bất thành thê”. Ba năm vợ chồng ăn ở với nhau mà không con thì không còn vợ chồng nữa. Thêm vào đó quan niệm “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” Tội không có con là tội bất hiếu lớn nhứt. Chú Sáu Lầu vì chữ hiếu, phải xa vợ, nhưng chú cũng yêu thương vợ, đâu có thể nói bỏ là bỏ được. Bởi vậy chú gởi thiếm sáu ở đậu trong chái nhà của ba tôi. Rồi chú lén cha mẹ về thăm thiếm Sáu ở lại trong đêm. Chái nhà của ba tôi trở thành điểm hẹn hò, kết nối mối tình dang dở của chú Sáu Lầu. Mỗi ngày má tôi nấu cơm cho hai vợ chồng chú Sáu, tôi dọn cơm và thu dọn chén dĩa sau đó. Tôi thấy chú thiếm nói chuyện với nhau, thiếm khóc thì chú lấy cây đờn kìm đờn, thiếm nghe một hồi thì im không khóc nữa. Tôi nghe đờn, tôi lẩn quẩn đứng đó, chú Sáu thấy vậy, mới hỏi tôi: Mầy muốn học ca học đờn không? Tôi mừng quýnh, nói chú dạy tôi học liền. Vì việc dạy tôi học đờn, học ca, chú Sáu Lầu tới nhà tôi thường hơn, không sợ lời người dị nghị nên có khi ở lại hai ba ngày. Thiếm Sáu cũng biết dán đồ mã, nên giúp việc cho ba tôi. Có lẽ Trời thương không nỡ bắt hai vợ chồng Chú Sáu chia ly hoài nên chú Sáu nhiều lần đến thăm vợ như thăm bẩy, thì Thiếm Sáu ốm nghén. Vợ chồng chú Sáu cho ba má tôi hay tin nầy. Ba tôi nói: Được rồi, để tao đi nói với ba má mầy, rước vợ mầy về bên nhà như hồi mới cưới. Chú thiếm sáu mừng như đang khát nước gặp mưa rào”.
(Trích đoạn kể chuyện của Nghệ sĩ Bảy Cao trong buổi gặp gỡ với soạn giả Nguyễn Phương và soạn giả Kiên Giang trong “Ngũ Đại Gia của Sân Khấu Cải lương, trang 248).

Những bước tiến của bản vọng cổ từ những năm sau 1918

Bản “Dạ Cổ Hoài Lang” nhịp đôi của nhạc sư Cao Văn Lầu
  1. Từ, là từ phu tướng,
  2. Bảo kiếm sắc phong lên đàng
  3. Vào ra luống trông tin chàng,
  4. Năm canh mơ màng,
  5. Thiếp trông chàng,
  6. Gan vàng thêm đau
Bản “Dạ Cổ Hoài Lang”, nhịp 4 tựa “Tiếng nhạn kêu sương” của Tư Chơi Huỳnh Thủ Trung
  1. Con nhạn đành kêu sương nơi biển Bắc,
  2. Én cam khóc hận dưới trời Nam,
  3. Thảm thương thay Ngưu-Nữ chia lòng
  4. Kẻ ăn thảm người lại nuốt nồng,
  5. Người ra đi ruột tím gan bầm,
  6. Kẻ ở lại, tâm xào phế can.
Bản “Vọng Cổ” “Văng vẳng tiếng chuông chùa” của Lư Hòa Nghĩa, nhịp 8.
  1. Văng vẳng tiếng chuông chùa, giọng công phu xa đưa của đoàn sư vãi.
  2. Ba tiếng chuông ngân, giọng chuông thức tỉnh dường như khêu gợi mối bi tình trên cỏi tạm trần ai.
  3. Chớ để đa mang làm chi, khối tương tư oằn vai mệt xác, càng nặng dạ đau lòng.
  4. Tôi tưởng ai mà năm canh mơ màng trằn trọc, chỉ nghe giọng thê lương buồn thảm của đàn dế khêu gợi bên cánh đồng.
  5. Chồng chất mối tơ duyên, tôi biết cùng ai đâu hầu giải tỏ mối duyên phần.
  6. Mây hồng một giải xa xa, kìa đàn chim líu lo chíu chit dường như khêu gợi nỗi lòng của người đang oằn quại thê lương
Danh ca Năm Nghĩa mở màn cho lối ca vọng cổ nhịp 8, rồi lần lượt nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64 sau nầy để rồi nhờ vào bản vọng cổ mà nhiều nam nữ nghệ sĩ được phong vương, được phong cải lương chi bảo, được phong nữ hoàng…
Cảm tưởng của cha đẻ bản “Dạ Cổ Hoài Lang” từ nhịp 2 lần lượt thành nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64.
Ông Sáu Lầu nói là phải cám ơn thằng Năm Nghĩa, nếu nó không chế biến ra thành bản vọng cổ Bạc Liêu 8 nhịp thì bài “Dạ Cổ Hoài Lang” của tôi cũng giống như các bài Oán, bài Nam “Bất Biến” theo khuôn khổ cũ như bao nhiêu bản cổ nhạc thì làm sao mà nó được phát triển và được mọi giới ưa thích như ngày nay.
Những bước đi của cải lương, từ “Ca ra bộ” đến lên sân khấu trình diễn có y trang, tranh cảnh đẹp mắt nhưng cải lương có nhiều hình thức trình diễn khác nhau tùy theo từng giai đoạn phát triển, do đó cũng xuất hiện nhiều thầy tuồng (soạn giả) với nhiều loại tuồng khác nhau. Xin kể một ít soạn giả tiêu biểu sau đây:
Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền:
Ông sinh năm Đinh Sửu (1876) tại làng Thạnh Hòa, xã Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc tỉnh Cần Thơ), con của ông Nguyễn Văn Tường và bà Trương Thị Thạnh. Ông học hết chương trình tiểu học, rồi học chữ Nho với thân phụ và tự học Pháp văn. Ông làm thơ ký cho hảng rượu nếp Phước Hiệp của ông Vương Thiệu. Ông chủ hảng nguyên là kép hát Tiều, nên hay mời các nghệ sĩ đoàn hát Tiều về hát cho công nhân xem trong các cuộc vui lễ lộc và nhờ đó ông có dịp học đờn cò và học hát. Do tiếp xúc nhiều như vậy nên ông giỏi tiếng Tiều.
  • Năm 1922 nhân dịp con trai ông chủ hảng lập gánh hát Tập Ích Ban, ông được mời làm soạn giả. Ông viết 27 tuồng dựa theo cốt truyện Tàu, dã sử Việt Nam và xã hội trong bảy năm làm thầy tuồng cho gánh hát nầy.
  • Năm 1923, ông được Bạch công tử và cô Phùng Há mời làm soạn giả cho gánh Huỳnh Kỳ. Ông viết 12 tuồng cho Huỳnh Kỳ.
  • Năm 1929 Ông bầu Nguyễn Bá Phượng gánh Hữu Thành ở Thốt Nốt mời ông làm soạn giả. Ông viết 5 tuồng cho gánh nầy.
  • Năm 1935 ông Nguyễn Bữu ở Trà Vinh và cô Phùng Há lập gánh Phụng Hảo 4. Ông làm soạn giả và viết 7 tuồng, trong đó có hai vở tuồng San Hậu và Phụng Nghi Đình đến nay vẫn còn được nhiều đoàn hát đem ra trình diễn và nhiều nữ nghệ sĩ được nỗi danh với vai diễn Điêu Thuyền trong vở Phụng Nghi Đình.
  • Năm 1937, gánh Hữu Thành tái sanh và gánh hát Kỳ Quan của ông Năm Hí thành lập. Ông làm soạn giả một lượt cho cả hai đoàn. Thời gian nầy ông viết được 17 tuồng.
  • Năm 1939, ông làm soạn giả cho gánh Ngự Bình của bầu Tư Thới, ông sáng tác 8 vở tuồng Tàu và dã sử cho Ngự Bình.
  • Năm 1952, ông Châu văn Sáu và cô Phùng Há lập đoàn cải lương Phụng Hảo 4, soạn giả Mộc Quán viết tuồng hương xa, lấy Nhật Bổn làm bối cảnh, tuồng mang tên “Luống cày rướm máu”. Tuồng nầy hát được một tuần lễ tại rạp Nguyễn Văn Hảo thì phải ngưng, vì Ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền bị tai biến mạch máu não và từ trần tại bịnh viện Châu Đốc vào ngày 21 tháng chin năm Quý Tỵ (1953). Cô Phùng Há, ông Châu Văn Sáu và nhiều nghệ sĩ tiền phong như Năm Châu, Bảy Nhiêu, cô Năm Phỉ, cô Kim Cúc, cô Kim Lan… đi về dự lễ an táng soạn giả kỳ cựu Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền nơi quê quán của ông tại xã Trung Nhứt, Quận Thốt Nốt. Cô Phùng Há đứng ra xây mộ cho ông, vì cô Bảy vừa là học trò, vừa là dưỡng nữ của ông. Là thầy tuồng có tài, ông đã trực tiếp dạy nghề hát cho các nghệ sĩ: Phùng Há, Năm Châu, Bảy Nhiêu, Năm Phỉ, Kim Cúc, Kim Lan (ái nữ của ông Bảy Nhiêu). Ông được các nghệ sĩ tiền phong kính trọng như bậc minh sư và các nghệ sĩ trẻ sau nầy kính trọng ông như là hậu tổ của cải lương.
Mộng Vân: Soạn giả cha đẻ của cải lương kiếm hiệp
 Soạn giả Mộng Vân, tên thật là Nguyễn Văn Trung sanh năm 1910 tại Bạc Liêu, học hết tiểu học rồi nghỉ học, ở nhà phụ cha mẹ buôn bán tạp hóa ở bên hông Chợ Bạc Liêu. Năm 14 tuổi, Mộng Vân học đờn kìm với nhạc sư Lê Văn Chột. Soạn giả Mộng Vân là bạn đồng môn với Bảy Cao, Năm Nghĩa. Năm 20 tuổi, ông làm trưởng ban đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu, chuyên cây đờn kìm, nhạc sĩ Trịnh Thiên Tư, Ba Chột đờn sến, Tư Bình đờn cò, Năm Nhỏ đờn lục huyền cầm. Dàn ca sĩ có: Phong Sắc, Sanh Lợi, Mộc Thái, Ngọc Cầm, Tư Yến…
Ông Mộng Vân có biệt tài sáng tác các bài cổ nhạc vắn, nhạc sư Trịnh Thiên Tư viết lời ca. Hai ông đã góp phần làm phong phú hóa các tiết mục đờn ca tài tử, để rồi sau đó hai ông sử dụng các bản nhạc vắn nầy vào các tuồng cải lương do Mộng Vân viết.
Năm 1932, Phong Sắc lập gánh hát Phong Sắc mà diễn viên là các ca sĩ của ban đờn ca tài tử Bạc Liêu và Mộng Vân làm soạn giả.
Tuồng kiếm hiệp của Mộng Vân theo công thức: tình tiết éo le, gay cấn để rồi có trận đấu dao găm (poignard), kép phi thân bay qua cửa sổ, ca vọng cổ và phựt đèn màu. Trong 20 năm viết tuồng hát, soạn giã Mộng Vân cho ra đời 80 tác phẩm mở màn cho một nghệ thuật ca diễn cải lương sôi nỗi, đáp ứng được thị hiếu của số đông Khán giả yêu chuộng tuồng tích giựt gân, sống động.
Hoa Sen (Bảy Cao) một sân khấu cải lương với tuồng tích chiến tranh có súng nổ “cắt bùm”.
Danh ca Bảy Cao là cha đẻ ra sân khấu “cắt bùm” rất ăn khách vào những năm sau chiến tranh 1954. Ông bà Bảy Cao đi đứng bằng xe hơi đắt giá và có cơ sở đất cát ở Phú Lâm mà ai lên xuống qua lại trên trục lộ Sài Gòn-Mỹ Tho đều thấy hai chữ Hoa Sen lớn ở mặt tiền một biệt thự sang trọng.
Khán giả của Hoa Sen thưa dần và Hoa Sen cũng tàn lụi ít lâu sau.
Nhóm “Con Tằm” với sân khấu cải lương tuồng xã hội:
Ông Năm Châu đứng đầu nhóm với sự tán thành của Tư Chơi, Năm Nở, Tư Trang để thực hiện sân khấu “đẹp” “thật”. Đây là thời kỳ phát triển của cải lương theo chiều hướng tuồng xã hội. Khi trình độ thưởng ngoạn của công chúng lên cao, quan niệm sân khấu phản ảnh cuộc đời, hay cuộc đời là sân khấu, thì tuồng xã hội phát triễn theo nhu cầu đòi hỏi của khách mộ điệu. Khán giả thích thú với các nghệ sĩ mình ưa thích trong những vai diễn mà mình có thể gặp ở đời thường. Tuồng “Con gái chị Hằng” Khán giả nhớ hoài Hữu Phước trong vai diễn “cậu tư Kiên” lái heo, vì vai nầy là hình ảnh của một người mà ai cũng có thể gặp ở lò heo Chánh Hưng hay gặp bất cứ vùng quê nào, với lối nói năng của một nông dân đầy ấp “quốc văn giáo khoa thư”, có nghĩa là có tình có nghĩa của người dân miền Nam Việt Nam. Đơn cử thêm, khán giả cũng gặp được Hương (The) một cô thôn nữ trẻ đẹp bị một chàng nhạc sĩ bất lương luờng gạt tình đến mang bầu và phải lăn lộn vào chốn bùn nhơ trong “Nửa đời hương phấn”. Khán giả bình dân gọi tuồng xã hội là tuồng Tây vì diễn viên ăn mặc như dân chúng sinh hoạt hằng ngày.
Như đã nói trên, ông Năm Châu là người cổ súy cho phong trào tuồng xã hội và càng về sau, loại tuồng nầy rất ăn khách vì các soạn giả lớp sau viết tuồng xã hội với một văn phong trẻ trung, mượt mà, đáng kể là cặp Hà Triều-Hoa Phượng, Kiên Giang, Nguyễn Phương và ê-kíp soạn giả thường trực của Thanh Minh-Thanh Nga.
Nhìn qua những bước đi của Cải lương, chúng ta phải nhìn nhận cải lương phát triễn không ngừng cải biến, sáng tạo, áp dụng: Cầm, Ca,Vũ, Nhạc, Hội họa vào cải lương, nhờ những nhạc sĩ tài ba, những văn nghệ sĩ yêu cải lương, nhứt là từ khi bản “Dạ Cổ Hoài Lang” của ông Sáu Lầu ra mắt năm 1918, là liều thuốc tiên trên địa hạt sân khấu và cả trên địa hạt dĩa nhựa. Ngoài nhạc sĩ, văn thi sĩ, họa sĩ, soạn giả thì các nam nữ nghệ sĩ đã đua tài để diễn các vai tuồng khác nhau của các soạn phẩm mới lạ, làm say mê khán giả qua nhiều thời kỳ phát triễn của sân khấu cải lương. Vì vậy khán giả luôn luôn ái mộ thương yêu cải lương.
Ai lập bản khai sanh cho cải lương?
Theo từng bước đi của cải lương, chúng ta nhớ năm 1910 ông Tư Triều bắt đầu đem dàn đờn ca tài tử của ông ra đờn ca trước công chúng ở rạp hát bóng Thầy Hộ tại Mỹ Tho và Nhà Hàng Cửu Long Giang ở Sài Gòn. Đó là bước đầu của ca ra bộ, để rồi một số văn nhân, thi sĩ, công chức cao cấp, lợi dụng không khí hơi “thoáng” một chút sau thế chiến thứ nhứt chấm dứt để chế biến, sửa đổi hát bội thành một sân khấu trình diễn khác, được gọi là Cải Lương.
Người đứng ra làm bản khai sanh cho cải lương là soạn giả kiêm nghệ sĩ và cũng là giáo sư phân khoa kịch nghệ trường Quốc Gia Âm Nhạc: Ông Duy Lân.
Địa điểm:
Trụ sở hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế.
131-133, đường Cô Bắc, SàiGòn.

Thời gian:
Vào năm 1967 nhân dịp tổ chức cuộc hội thảo “Kỷ niệm 50 năm sân khấu Cải lương”
Làm bài toán trừ, (1967-50 = 1917), thì ra năm sanh của cải lương là 1917.
Năm sanh của cải lương kể như chánh thức, vì có sự chứng kiến của các bực cha chú, những ân nhân, những nhà báo nặng lòng với cải lương, những soạn giả và một số đông nam nữ nghệ sĩ, kể cả những nghệ sĩ tiền phong:
  • Học giả kiêm nhà khảo cổ Vương Hồng Sển, cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, ông Thanh Trung Trần Văn Khải, nhà nghiên cứu, kiêm soạn giả hát bội ông đốc phủ sứ Đỗ Văn Rỡ, nhà báo sáng lập giải Thanh Tâm ông Trần Tấn Quốc.
  • Các ký giả kịch trường luôn thương quý cải lương: Nguyễn Ang Ca, Tô Yến Châu, Phùng Mậu, Lê Hiền, Phong Vân, Ngọc Linh, Hồng Sơn, Hoài Ngọc…
  • Soạn giả các đoàn hát đang diễn ở SàiGòn
  • Các nghệ sĩ tiền phong: Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Duy Lân, Ba Thâu, Năm Lâu, Hai Nữ, Kim Cúc, Kim Chưởng, Minh Tơ, Thành Tôn, Chín Viễn, Tám Vân, Việt Hùng-Ngọc Nuôi, Hoàng Giang-Kim Giác.
  • Các nghệ sĩ trẻ: Thanh Nga, Bích Sơn, Kim Hoàng Như Mai, Thành Được, Hữu Phước, Ngọc Hương…
  • Thơ Ký đoàn: Ngọc Văn, Nguyễn Phương, Ngọc Linh và Kiên Giang.
  • Thuyết trình viên: Ông Duy Lân đọc tham luận “Lịch sử 50 năm sân khấu cải lương” được cử tọa tán thành.
Tôi chỉ ghi lại vài mẫu chuyện lan man về cải lương từ 1911 đến 1975, vì sau 1975 thì cải lương cũng theo vận nước nỗi trôi chưa biết ngày nào hồi sinh.
Trước khi chấm dứt, tôi xin ghi mấy địa chỉ cần thiết để bà con có dịp thuận tiện đến thăm bạn bè, nghệ sĩ đang an giấc nghìn thu nơi Nghĩa Trang Nghệ sĩ tại xã Hạnh Thông Tây, Gò Vấp. Đó là những người lúc sinh thời đã từng là anh hùng, từng là hoàng tử, từng là tiểu thư khuê các trong các vai diễn, đã dâng hiến cuộc đời mình đêm đêm đem tiếng hát, câu ca làm vui lòng khách mộ điệu cầm ca, nơi đây cũng là nơi an nghỉ cho các soạn giả, hay các nhạc sĩ của các đoàn hát đã để lại bao mến thương cho tao nhân mặc khách ngưởng mộ.
Có được nghĩa trang và một kiển chùa Nhật Quang Tự cũng là công trình của tập thể nghệ sĩ mà phải công nhận hai công trình nầy thực hiện được hoàn hảo là do một phần lớn sự góp công và uy tín lớn lao của cô Bảy Phùng Há. Cô Bảy suốt cuộc đời mình chỉ phục vụ cho sân khấu và dìu dắt đàn em, con cháu. Thật là một tấm gương sáng của một nghệ sĩ gương mẫu.
Một công trình đáng được nhắc nhở nữa là Nhà Dưỡng Lão Nghệ sĩ ở trong hẻm nhỏ đường Âu Dương Lân, Quận 8.



Tôi ao ước cải lương sẽ bừng sống lại một ngày không xa, tùy theo vận nưóc “hết cơn bỉ cực tới hồi thới lai”. Mong Thay! 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét