Nhạc Việt và ý chí độc lập dân tộc
Lịch sử không phải những kiến thức khô khan, giáo điều. Trong các bộ môn nghệ thuật gần gũi với cuộc sống như âm nhạc, hội họa, thi ca..., tiền nhân luôn gửi đến chúng ta những câu chuyện thú vị và ẩn chứa nhiều bài học.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ về lịch sử từ góc tiếp cận âm nhạc, GS.TS Trần Văn Khê cứ đau đáu về việc làm sao để những thông điệp từ quá khứ được gửi gắm vào hiện tại...
Tiếng trống đồng từ thuở sơ khai
* Xin GS bắt đầu từ buổi sơ khai của nhạc Việt. Âm nhạc của chúng ta khi ấy ra sao?
- Nếu xét lịch sử từ thời kỳ cổ đại thì chúng ta thuộc các dân tộc vùng Đông Nam Á chứ không phải vùng Đông Á. Văn hóa của vùng này là văn hóa đồng thau nên tất cả nhạc khí quan trọng nhất đều là những nhạc khí bằng đồng.
Tiêu biểu ta có trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Đông Sơn là thời kỳ người Trung Quốc chưa xâm lấn nước ta. Những hình chạm trên mặt trống đồng Ngọc Lũ không hề có nhạc cụ nào có dây tơ hay sáo vốn là đặc trưng của văn hóa ty trúc mà chỉ có những cây khèn, sênh gõ và những dàn cồng.
Nghĩa là từ thuở sơ khai, người Việt thuộc nền văn hóa đồng thau, khác với văn hóa ty trúc cho đến khi bị xâm lấn, cai trị dưới chính sách đồng hóa văn hóa của Trung Quốc.
Trên chân cột chùa Phật Tích (chùa Vạn Phúc, Bắc Ninh) có chạm hình của những nhạc công thời nhà Lý. Vua Lý Thái Tổ vốn được sinh trong chùa và trong triều đại này Phật giáo là quốc giáo nên nhạc công trong chùa cũng có thể là nhạc công cung đình.
Trong dàn nhạc này có chạm cây sênh, có sáo ngang, sáo dọc, đàn tranh, đàn nhị, có cây đàn giống như đàn nguyệt nhưng lại chỉ có ba dây và có cả đàn tỳ bà như những cây đàn tỳ bà ở động Đôn Hoàng bên Trung Quốc.
Đây chính là ảnh hưởng rõ ràng của Trung Quốc sau cả ngàn năm cố gắng đồng hóa người Việt.
Đến đời nhà Trần, theo sách An Nam chí lược của Lê Tắc thì âm nhạc VN chia thành đại nhạc dành cho nhà vua và tiểu nhạc dành cho quan lại, dân gian. Trong dàn đại nhạc có sự xuất hiện của kèn tất lật (kèn pili) của nhà Đường, có trống phạn cổ, tức trống cơm xuất xứ từ Chiêm Thành. Tức là dù Bắc thuộc, ta vẫn tiếp thu những nền văn hóa khác nhau để chắt lọc ra những nét tinh túy nhất.
Thời này chúng ta chứng kiến tình thương dân, tầm nhìn chiến lược, tài chính trị, ngoại giao của đức vua Trần Nhân Tông. Sự liên kết với Chiêm Thành là để tạo ra một lực lượng đối kháng với quân Nguyên. Nhà vua biết rằng mộng thôn tính nước ta của giặc Nguyên vẫn còn đó dù đã bị đức thánh Trần Hưng Đạo đánh tan tành. Chính từ sau cuộc hôn nhân của Huyền Trân công chúa, văn hóa Việt đã có nhiều sự giao hòa với văn hóa Champa.
Tại Huế có hơi Nam, hơi Oán giống như của người Chăm. Phụ họa cho bài dân ca Ai nhiu lơi của người Chăm là cây đàn cà-ting giống như cây đàn bầu của người Việt. Theo sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn có nhắc đến sứ nhà Nguyên khi sang VN có thấy cây đàn nhất huyền cầm (đàn bầu). Trong bài tường thuật của sứ nhà Nguyên cũng có nói đến chuyện sứ nghe tiếng trống đồng mà sợ đến rụng rời, muốn bạc tóc.
Những thời kỳ rực rỡ của nhạc Việt
* Thưa GS, qua nhiều thời kỳ của âm nhạc VN, GS cho rằng thời kỳ nào là rực rỡ nhất?
- Hãy để tôi nói với các bạn về âm nhạc đời nhà Lê. Sau khi vua Lê Thái Tổ - Lê Lợi chiến thắng giặc Minh, nhà vua bèn giao cho Nguyễn Trãi nghiên cứu và định ra các qui chuẩn cho nhạc cung đình Việt.
Chưa có người nào thuộc giới văn nhân làm quan nói chuyện âm nhạc sâu sắc bằng cụ Nguyễn Trãi. Cụ nói: "Nếu nhân dân không được sung sướng, hạnh phúc thì âm nhạc sẽ ai oán buồn, tức là ta đã mất cái gốc của âm nhạc. Xin bệ hạ hãy nuôi dân, thương dân, để cho trong nước đừng có tiếng ta thán thì ta không mất cái gốc của mình vậy".
Chính cụ Nguyễn Trãi là người đầu tiên nói rằng trong âm nhạc có hình thức bên ngoài, tức nhạc cụ, cách ăn mặc, cách biểu diễn... và cái gốc là tâm trạng đưa ra. Cụ muốn mọi người dân đều hạnh phúc để không có âm ta thán vang lên trong tiếng nhạc.Với cụ Nguyễn Trãi, gốc của âm nhạc chính là nhân dân.
Đến thời vua Lê Thánh Tông, điểm đặc biệt là dần dần giáo phường của dân gian lại lấn vào cả đồng văn, nhã nhạc, nghĩa là sức ảnh hưởng của nhân dân đã đi vào cả nhã nhạc cung đình. Đầu thế kỷ 15, một mặt có những người trong chính quyền vọng ngoại, muốn đem nhạc nhà Minh vào nhạc Việt nhưng cũng có những người như cụ Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh đã chống lại hành động này.
Âm nhạc đến thế kỷ 15 có một sự thay đổi rất lớn. Thay đổi này thật ra không chỉ riêng ở VN mà ở nhiều nước khác cũng nổi lên phong trào xây dựng bản sắc dân tộc. Chẳng hạn ở Triều Tiên, vua Sejong không bằng lòng dùng chữ Hán mà định ra chữ viết riêng cho nước này, thay đổi cả âm nhạc vì không muốn chịu sự ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Các samurai Nhật Bản cũng chế ra nhạc sarugaku, dengaku và sau này trở thành kiểu kịch nô. Tất cả những điều đó nhằm chống lại sự bành trướng từ bên ngoài. Cũng thời gian này ở miền Bắc xuất hiện ca trù - thể loại nhạc đặc sắc chỉ của riêng VN và cây đàn đáy.
Theo sách Khâm định Đại Thanh hội điển sự lệ của Trung Quốc, sau khi thắng trận Đống Đa, vua Quang Trung (do một vị triều thần đi thay) sang thăm Càn Long, một dàn nhạc của VN tham gia diễn tấu.
Biên chế của dàn nhạc ấy hoàn toàn giống với biên chế dàn nhã nhạc của chúng ta hiện giờ. Biên chế này nhà Thanh gọi là An Nam quốc nhạc. Sau này khi vua Gia Long lên ngôi, đổi tên nước là VN, dàn nhạc này được gọi là VN quốc nhạc.
PHẠM THÀNH NHÂN (báo Tuổi Trẻ)
Nhạc sử: vấn đề lớn còn bỏ ngỏ
Sự phát triển của âm nhạc VN gắn liền với những sự kiện lịch sử, qua những cuộc trao đổi văn hóa, chịu ảnh hưởng văn hóa. Nhưng dù chịu ảnh hưởng, dù bị cố đồng hóa, âm nhạc Việt Nam vẫn tạo được bản sắc riêng của mình để tiếp tục tiến đến ngày hôm nay. Những cây đàn bầu, đàn đáy, đàn nguyệt Việt Nam hay ca trù, tuồng, bài chòi, chầu văn, nhạc tài tử, cải lương... cho thấy ý chí độc lập của dân tộc ta vững bền qua hàng ngàn năm lịch sử và tôi tin rằng sẽ còn mãi vững bền. Tìm hiểu nhạc sử cũng là một vấn đề lớn mà chúng ta còn bỏ ngỏ. (GS Trần Văn Khê)