Xu hướng chọn ngành năm 2017 bạn cần tham khảo
Update xu hướng chọn ngành năm 2017 bạn cần tham khảo để có quyết định đúng đắn cho những ngành nghề của mình
Nhóm ngành luôn hút thí sinh
Thực tế tuyển sinh đầu vào của các trường Đại học, Cao đẳng trong những năm gần đây cho thấy các ngành như Công nghệ thông tin (CNTT), Kinh tế, Ngoại ngữ… thu hút khá nhiều thí sinh. Khảo sát của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã nhận định xu hướng chọn nghề tương lai của học sinh tập trung nhiều vào những ngành được ưa chuộng như: Công nghệ thông tin, Du lịch, Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng...
Mặc dù có xuất phát điểm chậm nhưng ngành CNTT của Việt Nam lại đang phát triển rất nhanh. Các công việc như lập trình viên, đồ họa, IT... gần như doanh nghiệp nào không cần đến. Hiểu được nhu cầu của các doanh nghiệp, dự đoán được xu thế phát triển tất yếu, không thể thiếu trong tương lai, các bạn trẻ luôn xem CNTT là ngành thời thượng, dễ xin việc.
Nhóm ngành CNTT, Kỹ thuật, Kinh tế, Ngân hàng vẫn luôn dẫn đầu bởi số lượng thí sinh đăng ký dự thi mỗi năm. (Ảnh: Thủy Nguyên)
Bên cạnh CNTT, các nhóm ngành Kỹ thuật, Quản trị kinh doanh, Tài chính, Ngân hàng cũng thu hút thí sinh không kém. Mặc dù không còn thời kỳ đổ xô chọn Ngân hàng để dự thi theo tâm lý đám đông như trước nhưng không thể phủ nhận nhiều thí sinh vẫn quan tâm nhiều đến ngành học này với mong muốn cánh cửa việc làm tại các ngân hàng sẽ rộng mở với mình.
Riêng với nhóm ngành xã hội, dù lượng thí sinh dự tuyển không nhiều bằng các nhóm ngành Kỹ thuật – Công nghệ nhưng nắm bắt nhu cầu thực tế những năm qua, nhiều ngành thiếu nhân lực, dễ có việc làm như: Sư phạm Mầm non, Truyền thông, Báo chí... vẫn hút thí sinh.
Cũng theo đánh giá của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, định hướng nghề nghiệp của học sinh còn bị chi phối quá nhiều vào điểm chuẩn, tên tuổi các trường ĐH, CĐ. Hiện nay, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh mà các trường triển khai thực chất mới chỉ là định hướng chọn trường chứ chưa thực sự là định hướng nghề nghiệp.
"Hãy chọn ngành gắn bó đường dài"
Đó là lời khuyên của nhiều chuyên gia dành cho thí sinh trước mùa thi. Có một thực tế tồn tại từ lâu là không ít người học không hiểu gì về nghề mình lựa chọn, mình theo học. Biết bao nhiêu sinh viên ra trường, đã có bằng rồi mới bắt đầu được… định hướng nghề nghiệp bằng trải nghiệm thực tế. Nhiều sinh viên khi vào học rồi mới nhận ra ngành nghề không phù hợp với bản thân và quay lại tìm kiếm ngành học khác phù hợp hơn.
V. Hà, cựu sinh viên Khoa Du lịch một trường Đại học tại TP HCM chia sẻ hành trình được gọi là “quá lãng phí” của mình: “Bằng những lý tưởng mơ mộng ngồi trên ghế phổ thông, mình nghĩ được làm một hướng dẫn viên du lịch đi khắp nơi là điều tuyệt vời. Khi vào học, mình vẫn cố theo ngành học nhưng đến lúc đi thực tập, đối diện thực tế của nghề, những đắn đo bắt đầu nhen nhóm”.
Những ngành thời thượng, dễ xin việc được nhận định có thể sẽ bão hòa trong tương lai. (Ảnh: Thủy Nguyên)
Cũng theo V. Hà, ra trường cô gái trẻ vẫn cố bám trụ xin việc. Phải qua rất nhiều vị trí từ ngồi trực tư vấn khách, marketting,... rồi được bắt đầu dẫn dắt những chuyến đi. Di chuyển liên tục, gặp những khách thiếu nghiêm túc chọc ghẹo, những khách khó tính đòi hỏi nhiều khiến nữ hướng dẫn viên mệt mỏi, đuối sức.
“Mình từng nghĩ chỉ cần một công việc cho thu nhập ổn nhưng chuyện mình có yêu nó và gắn bó lâu dài không lại là chuyện khác”, cô gái trẻ tâm sự. Hiện, V.Hà hoàn thành thêm văn bằng 2 Tiếng Anh và cô bạn hài lòng với công việc giảng dạy tại một trung tâm ngoại ngữ lớn cho trẻ.
Thực tế những lựa chọn sai lầm khi chọn ngành học rất nhiều và là điều các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp lo lắng, luôn nhắc nhở thí sinh trước thềm mỗi mùa thi. Bà Phụng Hoàng, chuyên viên tư vấn đến từ Trường ĐH RMIT trong buổi chia sẻ hướng nghiệp cùng sinh viên, học sinh cũng cho rằng người trẻ bây giờ rất khó chấp nhận làm công việc mà giá trị nghề nghiệp không được thỏa mãn.
“Nhiều bạn rơi vào trầm cảm, thậm chí là có ý định tử tự do chọn sai nghề. Khi không yêu thích, việc học đã rất khó chứ chưa nói để làm được việc. Vì vậy, chuyện chạy theo xu hướng, chọn nghề dễ xin việc nhưng mình không yêu thích cũng rất khó gắn bó lâu dài”, bà Hoàng nhận định.
Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp TP HCM, Huỳnh Anh Bình cũng chia sẻ: “Một công việc được cho là dễ xin chỉ khi xã hội đang cần, nhu cầu tuyển dụng cao hơn nguồn lao động hiện có trên thị trường. Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ sớm bão hòa sau một thời gian không xa, vì có cầu ắt có cung. Vì vậy một ngành được cho là “hot” hiện nay cũng không có gì đảm bảo là sẽ ổn định lâu dài”.
Ông Bình đã đưa ra lời khuyên: “Bất cứ ở ngành nào, trường nào nếu sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, năng động nhạy bén đều rất dễ xin việc. Điều quan trọng là phải chọn ngành nào các bạn thích chứ không phải vì ngành đấy thời thượng. Sinh viên phải học với sự hứng thú, say mê thì đó sẽ là động lực để thành công”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét