“Vua muỗng” Trần Quang Hải
TTO - Chỉ với hai chiếc muỗng, giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải đã tạo nên nhiều tiết tấu, âm thanh thú vị. Tiếng "đàn muỗng" cùng giáo sư "chu du" khắp nơi và không ngừng làm mọi người thú vị. Tại Việt Nam, ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục người thể hiện tiết tấu - âm thanh đa dạng nhất từ nghệ thuật gõ muỗng.
Giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải biểu diễn "đàn muỗng" - Ảnh: Trung Uyên |
Xem giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải biểu diễn đàn muỗng (lưu ý bạn đọc không nên làm theo những động tác của nhạc sĩ khi chưa luyện tập và nắm bắt kỹ thuật)
Từ tiếng gõ muỗng trong tủ
Một buổi tối mùa hè, chú bé 6 tuổi Trần Quang Hải tình cờ thấy một nhóm các chiến sĩ kháng chiến quây quần ca hát quanh đống lửa. Một chiến sĩ đánh nhịp bằng hai cái muỗng. Chú bé Hải thích thú liền mon men đến hỏi: "Chú ơi, chú đánh hai cái muỗng sao mà nghe giòn và hay quá? Chú chỉ dùm cháu với". Người chiến sĩ ân cần: "Chú học được khi ở Liên Xô, cháu có thể thử làm bằng cách bẻ cong hai cái muỗng, úp ngược vào nhau, đặt ngón tay trỏ vào giữa hai cán muỗng sao cho hai cán muỗng cách nhau khoảng 2 li rưỡi rồi đánh muỗng lên đùi, lên tay theo những nhịp quen thuộc hay tự sáng tạo thêm".
Giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải biểu diễn đàn muỗng trong chương trình Hội ngộ kỷ lục gia lần thứ 20 vào giữa tháng 12-2010 tại TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Về đến nhà, chú bé Hải xin bà ngoại hai cái muỗng, bẻ cong cán muỗng rồi say sưa gõ đến sưng tay. Người nhà phản đối vì nghe riết muốn điếc tai nên chú bé liền chui vào tủ để gõ muỗng. Nhưng rồi thú vui ấy cũng dần trôi theo tuổi thơ.
Năm 17 tuổi, khi đang ở Pháp, tiếng muỗng tuổi thơ lại vang vọng trong tâm tưởng khi Trần Quang Hải thấy anh chàng người Mỹ tên Roger Mason chơi đánh muỗng. Quang Hải quyết định bỏ ra 3 tháng để luyện tập kỹ thuật đánh muỗng, sáng tạo ra những kỹ thuật đánh mới, tận dụng hết các chi trên cơ thể. Đến khi gặp lại Roger Mason, Quang Hải mời anh cùng đánh muỗng kiểu "đối thoại" và được Roger Mason cùng nhiều khán giả khen tặng không ngớt.
Đến "vua muỗng" và một ước mong
Danh hiệu "vua muỗng" đến với giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải khi ông chiến thắng tại một cuộc thi gõ muỗng khuôn khở Đại nhạc hội dân nhạc tại Cambridge, Anh vào năm 1967. Nếu tính từ lần đầu tiên đến với gõ muỗng từ thưở bé thơ, đến nay, giáo sư Trần Quang Hải đã có hơn 60 năm gắn bó với những giai điệu từ muỗng.
Các động tác khi biểu diễn "đàn muỗng" của giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải - Ảnh: Trung Uyên |
Tiếng gõ muỗng của giáo sư đã vang lên trong hơn 1.500 chương trình biểu diễn, buổi sinh hoạt âm nhạc trong trường học; đã đi qua hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Pháp, các em học sinh khi học gõ muỗng sẽ cùng biểu diễn như một dàn nhạc với nhiều loại muỗng khác về chất liệu, kích cỡ.
Giáo sư cho biết: "Chơi với muỗng sẽ giúp các em nhỏ nhận ra rằng những vật dụng gần gũi nhất cũng có thể tạo nên tiết tấu giai điệu và các em hoàn toàn có thể sáng tạo những cách đánh mới hay tiết tấu mới. Tôi mong nghệ thuật gõ muỗng này cũng có thể được giảng dạy trong trường cho các thiếu nhi Việt Nam".
Không chỉ có cách đánh muỗng phối hợp tay với đùi, trượt muỗng trên cánh tay, đánh trên mu bàn tay, trong lòng bàn tay, trên các khớp ngón tay... mà còn cả cách đánh muỗng bằng miệng, phối hợp miệng với tay. Không ít lần vì đánh quá say mê mà giáo sư đánh đến chảy cả máu răng và bị nha sĩ cấm không được dùng miệng chơi đàn muỗng nữa.
Không ít lần vì quá say mê đánh muỗng mà giáo sư Trần Quang Hải bị đau răng - Ảnh: Trung Uyên |
Những tiết tấu của âm nhạc cổ truyền Việt Nam được giáo sư áp dụng vào đàn muỗng. Đã không ít lần, tiếng gõ muỗng ấy đã ngẫu hứng hòa cùng tiếng đàn điêu luyện của giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê - thân phụ của giáo sư Trần Quang Hải.
Yêu tiếng đàn muỗng nên không khó hiểu khi giáo sư Trần Quang Hải có cả một bộ sưu tập muỗng lên đến hơn 400 cái, phần được mua, phần được người dân khắp nơi trao tặng.
Giáo sư Trần Quang Hải biểu diễn đàn môi - Ảnh: Trung Uyên |
Xem giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải biểu diễn đàn môi
Ngoài đàn muỗng, giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải còn dành nhiều thời gian say mê nghiên cứu phát triển kỹ thuật đàn môi và kỹ thuật hát đồng song thanh (kỹ thuật hát phát ra hai giọng cùng lúc ở hai cao độ khác nhau).
TRUNG UYÊN
Thứ Năm, 03/02/2011, 11:32 (GMT+7)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét