Làng gốm Phù Lãng điểm đến cho những ai thích nghệ thuật
Làng gốm phù lãng là một trong những địa điểm văn hóa hot nhất còn sót lại, tại nơi đây bạn sẽ chiêm ngưỡng được những tác phẩm thú vị, nghệ thuật.
Để đến thăm làng gốm Phù Lãng bạn có thể mua tour có người hướng dẫn hoặc tự mình khám phá và trải nghiệm theo cách riêng.
Ảnh: Vietnam.lt
Trong sách Kinh Bắc - Hà Bắc xưa để lại thì ông tổ nghề gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong dịp đi này, ông học được nghề làm gốm và truyền dạy cho người trong nước. Nghề gốm bắt đầu hình thành ở Phù Lãng từ thế kỷ thứ 13.
Đến Phù Lãng vào bất cứ thời điểm nào trong năm, du khách cũng có thể dễ dàng nhận ra những nét đặc trưng rất điển hình của một làng gốm. Những ngôi nhà gạch trần, với mái ngói đỏ trầm nhấp nhô, dọc con đường làng quanh co, trong sân nhà...đâu đâu cũng thấy những sản phẩm gốm được xếp đầy.
Ảnh: Momona
Nếu khách du lịch chỉ ghé thăm để check-in thì nơi đây chẳng thiếu những khung cảnh đẹp, những tác phẩm gốm hay. Còn nếu bạn nán lại đôi chút, tìm hiểu nguồn gốc nghề gốm bạn mới thấm gốm Phù Lãng được tạo dựng thế nào? Từng quy trình cầu kỳ ra sao?
So với làng gốm Bát Tràng hay Thổ Hà thì gốm Phù Lãng có sắc thái riêng, gốm có men nâu, vàng nhạt, vàng thẫm hoặc vàng nâu… mà người ta gọi chung là men da lươn.
Thêm nữa, nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép để tạo được màu men tự nhiên, bền và lạ. Dáng của gốm Phù Lãng dù là gốm trang trí, gốm vật dụng hay gốm dùng trong tín ngưỡng đều mang nét đẹp mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn và chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của tạo hình điêu khắc.
Ảnh: Kiên Dương
Công đoạn đầu tiên quyết định đến nét riêng của gốm Phù Lãng chính là chọn đất và xử lý đất sét. Bởi đất để làm đồ sành phải là loại đặc biệt, có độ dẻo. Lấy được đất về, người thợ phải phơi cho đất bạc màu trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho "ngậm" nước, sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất phải nhuyễn mịn như một miếng giò mới được. Một miếng đất trước khi chuốt phải nề, xéo tới chục lần mới thành khoanh cho lên bàn xoay nắn thành sản phẩm.
Dưới bàn tay của người thợ thủ công, đất sét được luyện thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn nhất định và được tạo hình trên bàn xoay bằng tay hoặc trên khuôn.
Ảnh: Phạm Đức Long
Đối với từng loại sản phẩm thì cách làm lại có sự khác nhau, gốm gia dụng và gốm trang trí sẽ được làm trên bàn xoay. Riêng đồ tín ngưỡng sẽ được in trên khuôn gỗ hoặc khuôn đất nung rồi dán ghép lại.
Bước cuối cùng trong khâu hoàn thành sản phẩm là ve, nạo sản phẩm sau khi sản phẩm đã thành chuyển màu trắng. Ve, nạo xong sản phẩm dược tráng một lớp men lên và tạo màu sắc.
Ảnh: Vietnam.lt
Nhưng có lẽ điều đặc biệt hơn cả đó là đến nay làng nghề Phù Lãng vẫn sử dụng phương pháp truyền thống, dùng củi để nung, nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm mà không phương pháp nào có thể thay thế.
Ảnh: Vietnam.lt
Ảnh: Vietnam.lt
Để đến thăm làng gốm Phù Lãng bạn có thể mua tour có người hướng dẫn từ đại lý du lịch hoặc có thể tự mình khám phá theo cách riêng.
Từ Hà Nội có thể đi xe máy theo quốc lộ 5 rồi rẽ lên đường 1A mới. Tới bùng binh cầu vượt ở Bắc Ninh thì rẽ phải theo đường đi Phả Lại, đến trên cột cây số ghi “Phả Lại - 6km” vài trăm mét thì rẽ phải xuống một con đường làng nhỏ qua chợ Châu Cầu chừng 5 - 10 phút là tới.
Ngoài ra, bạn có thể đi xe bus số 54 từ Long Biên về thành phố Bắc Ninh rồi tiếp tục bắt xe Bắc Ninh - Sao Đỏ sẽ về qua làng gốm Phù Lãng.
Ảnh: Ken
Đình Phong
Theo Đời sống & Pháp lý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét