Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Cuộc hội ngộ đầu tiên của 5 nghệ nhân "báu vật sống" Việt Nam


(ĐXKL) Cuộc hội ngộ đầu tiên của 5 nghệ nhân "báu vật sống" Việt Nam
Tối 11.6.2009, lần đầu tiên tại sân Đại triều Điện Thái Hòa, Đại nội Huế, 5 nghệ nhân hàng đầu của làng ca cổ Việt Nam, người nhỏ nhất đã qua tuổi 79 là nghệ nhân Ca trù Phó Thị Kim Đức, hai nghệ nhân Ca Huế Minh Mẫn (84 tuổi) và Thanh Hương (85 tuổi), hai nghệ nhân Nhã nhạc Trần Kích (85 tuổi) và Lữ Hữu Thi (100 tuổi) đã có cuộc hội ngộ với một đêm diễn chưa từng có từ trước tới nay.
Chương trình do Công ty cổ phần truyền thông Vẻ đẹp Việt, Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2009 và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp tổ chức nhằm giới thiệu và tôn vinh 5 nghệ nhân được coi là những "cây cổ thụ” của âm nhạc cổ truyền và đều là những người hiếm hoi còn giữ được những làn điệu và kỹ thuật tinh hoa gần như đã thất truyền.
Nghệ sĩ ưu tú Phó Thị Kim Đức là danh ca cuối cùng của giáo phường Khâm Thiên và là giọng ca trù tinh hoa bậc nhất Hà Nội đương thời. Bà còn nổi tiếng vì ngón phách điêu luyện, từng được xưng tụng là "tiếng phách trạng nguyên”. Bà là người còn nắm vững nhuần nhuyễn 20-30 làn điệu Ca trù, trong đó một số làn điệu chỉ riêng bà còn giữ được như: Đào luồn kép vói, Hát truyện Phan Trần, 5 điệu Thiên Thai.
Nghệ nhân dân gian Minh Mẫn là bậc thầy trong làng ca Huế hiện giờ. Bà còn lưu giữ được những bài bản ca Huế cổ điển như Nam ai, Nam bìnhTứ đại cảnhvới sở trường ở những bài ca khách như Cổ bản, Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Lộng điệp. Bà là một trong những người hiếm hoi hiện nay có thể ca Cổ bản cả lối sắp và lối dựng, lời cổ của điệu Long ngâm, cùng một số điệu khác như Nam xuân, Ngũ đối thượng, Quả phụ
Hai lão nghệ nhân ca Huế là Minh Mẫn và Thanh Hương 
Nghệ sĩ Thanh Hương sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật dân gian ở Huế. Cũng như bà Minh Mẫn, bà Thanh Hương thuộc thế hệ kỳ cựu vẫn bảo lưu được những kỹ thuật cổ điển của ca Huế trong giọng hát của mình, và những làn điệu ca Huế cổ.
Nghệ nhân Trần Kích chơi thành thạo 7 loại nhạc cụ, gồm kèn đại, kèn lỡ, nhị, nguyệt, tỳ bà, bầu, sáo... cho cả Đại nhạc, Tiểu nhạc, nhạc Phật, và nhạc đệm cho ca Huế. Đến nay, ông đã nghiên cứu cách ký âm hoàn chỉnh, góp phần ghi lại được 30 bài bản về Đại nhạc và Tiểu nhạc. Ông Lữ Hữu Thi là người cao tuổi nhất trong số các nghệ nhân còn lại của dàn nhạc cung đình triều Nguyễn. Trong nhiều loại nhạc cụ mà ông chơi thuần thục: nhị, tam, nguyệt, tỳ bà, địch, phách tiền, tam âm, trống bản… nổi bật nhất là hai loại đàn nhị và kèn bóp. Đến nay ông vẫn còn nhớ và biểu diễn thành thạo tới 20 bài nhạc lễ cung đình, và là người duy nhất còn nhớ được toàn bộ 7 bản Thái cổ dùng trong lễ tế Nam Giao. Từ năm 2003 đến nay, dù tuổi cao sức yếu, nghệ nhân Lữ Hữu Thi vẫn hàng tuần nhờ con cháu chở vào nhà hát Duyệt Thị Đường để truyền nghề cho các diễn viên, nhạc công. 
Hai nghệ nhân Trần Kích và Lữ Hữu Thi

Trong khuôn khổ đêm tôn vinh nghệ nhân, lần đầu tiên nghi thức đốt đình liệu được phục dựng với mười hai cây đình liệu bằng hoa và sáp được thắp lên ở khu vực cầu Trung Đạo. Với mong muốn cầu chúc sức khỏe cho các nghệ nhân, 1.000 bát nến hoa sen được sắp đặt hai chữ Vạn - Thọ tại sân Hạ Đại Triều.

G.H - kyluc.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét