Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

LINH ĐOAN : Cải lương loay hoay làm mới


Thứ Hai, 29/10/2012, 07:05 (GMT+7)
Cải lương loay hoay làm mới
TT - Tính tới tối 28-10, 17 vở diễn đã được trình làng trong Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tại Đồng Nai.

Hơn nửa chặng đường đã đi qua, diện mạo sân khấu cải lương cả nước cũng đang dần lộ diện.


Vở Mê cung (tác giả: Hoàng Song Việt - Triệu Trung Kiên, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên) của Nhà hát cải lương VN phản ánh nỗi niềm của những người có HIV, gái điếm, trai bao, chuyện lấy chồng Hàn Quốc... - Ảnh: Nguyễn Lộc

Trái với lo ngại của nhiều người, trong tám ngày vừa diễn ra liên hoan, khán giả Đồng Nai không đến nỗi thờ ơ với cải lương. Suất diễn nào cũng có khán giả, ít nhất kín nửa rạp, suất tối đông hơn suất sáng và hiếm khi nào xảy ra tình trạng vắng hoe. Mừng là có những khán giả đến một lần, sau đó đến thêm lần hai, lần ba, nhưng đa số là khán giả trung niên và người già, rất ít khán giả trẻ.
Cải lương vay mượn kịch bản kịch nói
"Có đến hơn 90% vở diễn cải lương phía Bắc hiện nay được chuyển thể từ kịch bản kịch nói vì có quá ít người viết kịch bản cải lương"
NSƯT Triệu Trung Kiên(trưởng đoàn 1 Nhà hát cải lương VN)
Trong số 27 vở diễn tham gia liên hoan lần này (từ ngày 20-10 đến 3-11), điều khiến nhiều người e ngại là có hơn 2/3 số lượng kịch bản cải lương được chuyển thể từ kịch bản kịch nói, có thể kể ra như: Vượt qua tâm bão(Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai), Khi hoa nở trái mùa, Mong gió đừng đổi chiều (Nhà hát cải lương Hà Nội), Nói dối là trọng tội (Đoàn nghệ thuật Tây Ninh), Tiếng vạc sành (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), Một phút một thời (Đoàn cải lương Hương Tràm), Vú cát (Nhà hát cải lương VN), Biển và bờ (Đoàn cải lương Hải Phòng), Giậu mùng tơi gãy giập(Đoàn nghệ thuật cải lương Nam Định), Cơn hồng thủy (CLB cải lương xã hội hóa Sen Việt trực thuộc Trường ĐH Sân khấu và điện ảnh TP.HCM)...
NSƯT Minh Hoàng - trưởng Đoàn cải lương Hương Tràm - buồn bã bày tỏ: “Có khá nhiều kịch bản kịch nói có nội dung tốt, được viết cô đọng và chặt chẽ trong khi nhiều kịch bản cải lương lại dài dòng, lê thê và thiếu logic. Cải lương đang xuống dốc nên rất nhiều người viết không mặn mà. Viết một kịch bản cải lương rất mất thời gian và phải am hiểu về loại hình này. Khi viết xong rồi cũng không có mấy đoàn chịu dựng, nếu họ chịu dựng thì bán đứt kịch bản chẳng bao nhiêu tiền mà hưởng theo 5% mỗi suất diễn thì càng chết, vì một vở cải lương hiện diễn chẳng được bao nhiêu suất!”.
Có thể nói tác giả trẻ hiếm hoi phía Bắc còn miệt mài viết kịch bản cải lương là NSƯT Triệu Trung Kiên - trưởng đoàn 1 Nhà hát cải lương VN, từng gây dấu ấn ở các hội diễn cải lương trước đây với những vở do anh viết kịch bản và dàn dựng như Dấu ấn giao thời, Đế đô sóng cả. Đến với liên hoan lần này, anh đem theo vở Mê cung (tác giả: Hoàng Song Việt - Triệu Trung Kiên) cũng được xem là “hàng hiếm” vì đây là kịch bản được viết dành cho cải lương. Trung Kiên khẳng định: “Có đến hơn 90% vở diễn cải lương phía Bắc hiện nay được chuyển thể từ kịch bản kịch nói vì có quá ít người viết kịch bản cải lương. Tôi hiện đang viết một kịch bản lịch sử nhưng chọn viết kịch bản kịch trước, sau đó mới chuyển thể cải lương, cốt là để cho các loại hình khác cũng có thể sử dụng được kịch bản của mình”.
Cải lương đang rất cần những kịch bản dành cho chính cải lương, khai thác hết những tinh túy, đặc sắc của loại hình này, nếu phải chịu cảnh “vay mượn” thế này, chẳng biết cải lương sẽ về đâu?
Lúng túng với đề tài xã hội, đương đại
Cái khó cho kịch bản cải lương năm nay còn là tiêu chí “tác phẩm tham dự liên hoan là những tác phẩm về đề tài hiện đại”. Không ít vở diễn đã thể hiện sự lúng túng trong cách thể hiện đề tài đương đại. Món nợ vùng ven (Nhà hát Tây Đô, Cần Thơ), Ma lực đồng tiền (Đoàn cải lương Ánh Hồng, Trà Vinh) có cách giải quyết mâu thuẫn khá sớm khiến khán giả không còn tâm lý chờ đợi những màn sau. Vượt qua tâm bão, Giậu mùng tơi gãy giập, Biển và bờ... dàn dựng thiếu kịch tính. Rất nhiều diễn viên còn mắc lỗi diễn xuất cường điệu, diễn vở tâm lý xã hội nhưng thiếu tiết chế khiến người xem có cảm giác họ đang diễn... tuồng cổ!
Dù vậy, tính đến thời điểm này đã có một vài vở diễn tạo được chú ý như Tiếng vạc sành, Vú cát, Mê cung... Khi hoa nở trái mùa phần đầu còn khiên cưỡng nhưng kịp ghi điểm ở màn cuối rất xúc động. Chị Mỹ - công tác ở Công ty Sonadezi, tranh thủ đi xem một số vở diễn - bày tỏ: “Tôi bất ngờ vì cách dàn dựng khá tốt của một số đoàn cải lương phía Bắc. Miền Nam được xem là cái nôi của cải lương, nhưng nếu mình cứ chủ quan là coi chừng thua đó!”.
Phong cách dựng vở khá hiện đại, bớt lê thê và có kịch tính của một số đoàn phía Bắc như Nhà hát cải lương VN, Nhà hát cải lương Hà Nội có vẻ được nhiều khán giả trẻ tỏ ra thích thú. Tuy nhiên, vẫn còn những vở diễn mải mê xây dựng kịch tính mà quên yếu tố trữ tình, lãng mạn, mướt mát của cải lương. Có những đoạn thoại rất dài mà không có một câu vọng cổ hay bài bản nào, đạo diễn không chắc tay nên vở diễn bị phân cắt  khúc kịch, khúc cải lương!
Dựng cải lương theo kiểu cũ thì khán giả chê lạc hậu, không thật; dựng theo phong cách mới, hiện đại thì người ta lại thấy không giống cải lương! Như anh Nam - nhà ở Q.3, TP.HCM cất công xuống tận Đồng Nai xem liên hoan - nhận xét: “Xem vở Vú cát thấy hay, thấy đẹp đấy nhưng đôi lúc tôi có cảm giác như đang xem kịch!”. Lại một vấn đề đau đầu của cải lương: đổi mới làm sao, đổi mới như thế nào để cải lương vẫn đồng hành với cuộc sống đương đại mà không làm mất nét tinh túy, đặc sắc? Câu hỏi có lẽ vẫn còn đó sau một kỳ liên hoan.
Lạm dụng múa
Rất nhiều đoàn đã sử dụng các màn múa trong vở diễn để thể hiện màu sắc và sự “đương đại, hiện đại” của mình như: Mong gió đừng đổi chiều, Giọng hò Đồng Tháp, Giậu mùng tơi gãy giập, Khi hoa nở trái mùa, Ký ức mùa xuân... Tuy nhiên, rất ít màn múa thể hiện sự hài hòa, cần thiết cho vở diễn. Rất ít vở diễn biết cách biến múa thành một phần liền mạch và hỗ trợ đắc lực cho câu chuyện như Mê cung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét