Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

'Quái kiệt' Nguyễn Thế Vinh

'Quái kiệt' Nguyễn Thế Vinh
Đến nay thì tên tuổi của "độc thủ đại hiệp" Nguyễn Thế Vinh không còn xa lạ trong hoạt động ca nhạc ở TP HCM, đặc biệt trong giới yêu thích nhạc Trịnh. Vinh không chỉ đem lại cho khán giả sự thán phục về nghị lực của một thanh niên khuyết tật mà còn cả sự rung động, đồng cảm qua phần diễn tấu tài hoa của một nghệ sĩ thực thụ.
Chen lẫn, ngược xuôi trên đường phố Sài Gòn là một dáng người thấp nhỏ, da ngăm đen, tóc xoăn ngồi trên một chiếc xe máy cà tàng mà tay ga đã đổi sang bên trái, lưng đeo "Guitar bảo kiếm". Đó chính là "Độc thủ đại hiệp" Nguyễn Thế Vinh đang "hành hiệp".
Với Vinh, chơi nhạc chỉ là để thỏa mãn sự đam mê của mình và cũng để chia sẻ với những tâm hồn đồng cảm nên anh ít quan tâm đến chuyện cát-sê. Sau bao năm "bôn tẩu" với một tuổi thơ bất hạnh, nhọc nhằn, một quá trình học tập trong thiếu thốn và đến với âm nhạc qua khổ luyện, giờ đây Vinh đã là chủ của một cửa hàng sửa chữa điện thoại di động. Chưa giàu nhưng đủ cho anh không phải lo lắng về cái ăn, cái mặc như ngày xưa.
Khi Vinh mới được 4 tuổi thì mất cha. Mẹ dắt díu mấy anh em Vinh về ở với ông bà ngoại ở một làng quê thuộc huyện Bắc Bình (Bình Thuận). Vinh 7 tuổi thì mồ côi mẹ.
Nhà ngoại nghèo, phải nhận 2 con bò của hợp tác xã về chăn thuê và Vinh là người có nhiệm vụ chăn dắt. Năm 1978 (lúc Vinh đang học lớp 3), một chiều thứ bảy định mệnh đã làm đảo lộn cuộc đời Vinh: cậu bị té ngã từ trên lưng bò, gãy cánh tay phải. Nhà nghèo, ở xa bệnh viện cộng với sự thiếu hiểu biết của dân quê trong chữa trị nên cánh tay đã hoại tử phải cắt bỏ đến tận bả vai.
Cái dáng người nhỏ thó của Vinh có lẽ một phần cũng bởi những nỗi nhọc nhằn oằn lên tuổi thơ anh trên vùng đất cát ven bờ sông Lũy. Vùng đất này chỉ trồng được mỗi một loại dưa dùng để lấy hạt, rang và nhuộm đỏ để bán vào dịp Tết.
Mùa khô hạn, Vinh phải đi hàng cây số gánh nước từ sông Lũy về tưới dưa. Cậu bé chỉ gánh được trên vai trái, khi quá mỏi thì đặt gánh nước xuống nghỉ chứ không thể đổi đòn gánh qua vai phải như người bình thường. Nhọc nhằn, cực khổ nhưng Vinh vẫn cố gắng khắc phục những trở ngại từ sự khiếm khuyết của cơ thể để học tập. Cậu tập viết bằng tay trái và lên lớp đều đặn từ bậc tiểu học cho đến tốt nghiệp THPT.
Năm 1988, Vinh tìm vào Sài Gòn tự mưu sinh bởi không muốn là gánh nặng cho người thân. Một nhóm sinh viên đã đưa anh về phòng trọ cho ở chung. Nhờ họ động viên, hướng dẫn, một năm sau Vinh trúng tuyển vào Đại học Kinh tế TP HCM. Để theo đuổi việc học, Vinh đã phải làm thêm rất nhiều nghề: vá xe, giữ xe, dạy kèm...
Tuy nhiên, lúc nào Vinh cũng khát khao được thể hiện mình qua ngón đàn guitar. Ngay từ năm lớp 6, khi người cậu đem từ Sài Gòn về một cây guitar, Vinh đã bị cây đàn này "mê hoặc". Lúc nào cậu cũng mày mò, tìm đủ cách chinh phục cây đàn, bắt nó phải phát ra những âm thanh như ý mình.
Không đánh được như người bình thường thì Vinh thử nghiệm bằng nhiều cách: cột phím, cột chân nhang vào mỏm tay bị cụt, thậm chí đánh đàn bằng... chân! Tất cả đều thất bại. Cuối cùng cậu nghĩ ra cách đánh đàn cho riêng mình: lật ngửa mặt đàn lên, dùng các ngón giữa, áp út và ngón út để bấm nốt còn ngón trỏ để gảy. Với kiểu đánh đàn này, qua nhiều năm tháng khổ luyện Vinh đã có thể solo được dăm ba bản nhạc.
Vinh vẫn chưa thật bằng lòng với kiểu bấm nốt này, cậu tập bấm hợp âm. Để bấm thành thục một hợp âm, Vinh phải tập đi tập lại hàng tháng trời. Niềm đam mê cộng với sự kiên trì khổ luyện trong rất nhiều năm tháng đã giúp Vinh "khuất phục" được cây đàn guitar, thỏa mãn được ước mơ cháy bỏng ngày xưa. Giờ đây, Vinh đã có thể tự tin đệm đàn cho bất kỳ nhạc phẩm nào, trừ những hợp âm có cấu trúc quá cầu kỳ.
Không chỉ mê chơi đàn guitar, Nguyễn Thế Vinh còn rất mê thổi kèn harmonica bởi cậu nhận ra đó là một loại nhạc cụ dễ sử dụng, rất thích hợp với mình. Ngoài việc khổ luyện với đàn guitar, Vinh còn "chia sẻ" cho cây kèn harmonica một nỗi đam mê không kém và nảy ra ý định song tấu cùng lúc 2 loại nhạc cụ này. Qua nhiều lần thử, 2 cọng thép gắn từ thùng đàn lên đỡ lấy 2 đầu cây kèn ở vị trí ngang miệng đã giúp anh toại nguyện. Và thế là Sài Gòn có thêm một "quái kiệt" chơi cùng lúc 2 nhạc cụ!
Những nhạc phẩm mà Vinh thích diễn tấu đa số là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Cát bụi, Diễm xưa, Ngụ ngôn mùa đông, Biển nhớ, Thương một người... da diết và đầy tâm trạng, có phần nào đó rất trùng hợp với tâm cảnh của Vinh nên khi biểu diễn anh thường đắm mình vào trạng thái xuất thần. Những bản nhạc tài hoa của Trịnh trên ngón đàn long đong này trở thành những dòng chảy tình cảm thật mượt mà.
(Theo Thanh Niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét