(ĐXKL) - Năm 1939, lúc đang học ở Hà Nội, đến 29 tết vẫn chưa có tiền để về với gia đình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương lang thang tới ga Hàng Cỏ nhìn mọi người mang xách lên tàu về quê, lòng ước gì chính mình được bước lên chuyến tàu cuối năm đó… Ca khúc "Đêm đông" ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh năm 1919, tại Huế. Năm 1936, sau khi tốt nghiệp trung học tại trường Quốc Học Huế, ông viết ca khúc Trên sông Hương.Đến năm 1939, lúc đang học ở Hà Nội, đến 29 tết vẫn chưa có tiền để về với gia đình, ông lang thang tới ga Hàng Cỏ nhìn mọi người mang xách lên tàu về quê, lòng ước gì chính mình được bước lên chuyến tàu cuối năm đó…
Từ tâm trạng riêng, ông nghĩ đến nhiều người khác phải xa nhà trong đêm giao thừa đêm đông - xa trông cố hương buồn lòng chinh phu - đêm đông - bên sông ngẩn ngơ kìa ai mong chồng… Hình ảnh chinh phu, chinh phụ trong Đêm đôngcó ảnh hưởng chút lãng mạn trong tiểu thuyết đương thời, ngược lại, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng xuất phát từ cảnh thực, đêm ấy, trên đường từ ga Hàng Cỏ về ông có rẽ vào xóm cô đầu ở Khiêm Thiên, lòng nghĩ rằng vào giao thừa chắc chẳng cô nào hành nghề cả, khi ngang qua một căn nhà còn để đèn, có bóng một cô gái bước ra chào mời, biết ông không phải là khách mua hoa, cô lộ vẻ buồn bã ra mặt rồi âm thầm quay vào. Về nhà (số 10 ngõ Hội Vũ cạnh nhà thương Phủ Doãn cũ), lên gác trọ, gió đêm ấy thổi mạnh vào khe cửa sổ tới khuya không dứt, ông viết: gió reo sầu miên - gió đau niềm riêng - gió than triền miên…
Người hát bài Đêm đông đầu tiên là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, người kế theo là chị Minh Trang (vợ cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước). Sau đó là nhiều ca sĩ khác, trong đó người trình bày Đêm đông mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương thích nhất là ca sĩ Bạch Yến.
Ngày nay, ca khúc Đêm đông vẫn còn được yêu thích. Tác giả qua đời năm 2002 tại TP.HCM.
Bộ VH-TT&DL vừa ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể. Hội đồng này có nhiệm vụ xem xét, thẩm định hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đủ tiêu chuẩn trình Bộ trưởng để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trước đó, Bộ đưa vào Danh mục này 12 di sản bao gồm: Nghệ thuật truyền khẩu sử thi Tây Nguyên; Múa rối nước đồng bằng Bắc Bộ; Nghệ thuật Hát giao duyên, ví giặm; Nghệ thuật làm Gốm truyền thống của người Chăm; Nghệ thuật xòe Thái; Nghề làm Tranh dân gian Đông Hồ; Tri thức và kỹ thuật Thổ canh hốc đá của các dân tộc thiểu số ở cao nguyên đá Hà Giang; Nghệ thuật Dù kê của người Khơ me Nam Bộ; Nghi lễ Quá tang (lễ Cấp sắc) của người Dao; Nghi lễ Chầu Văn của nguời Việt; Nghi lễ Then của người Tày; Tục chơi Bài chòi mùa xuân của người Việt vùng Nam Trung Bộ.
TP - “Hình như khán giả đã thích mình thì mình hát nhạc gì khán giả cũng thích”, Bằng Kiều tâm sự trong chương trình Bằng Kiều in concert tại Hà Nội tối 28-10. Nhưng “hình như khán giả thích nhạc gì thì Bằng Kiều hát nhạc đấy” có lẽ sát với thực tế hơn.
BẰNG KIỀU và gia đình trần tình trên sân khấu Trung Tâm Hội Nghị quốc gia . Ảnh : N.M.HÀ
Không có lý do gì khiến chương trình hòa nhạc của Bằng Kiều tại Hà Nội không thành công. Một giọng hát hay và lạ trong một dòng nhạc an toàn chiều lòng số đông khán giả, ê-kip hàng đầu trong không gian hoành tráng bậc nhất.
Đầu đêm diễn, ca sĩ thông báo bị viêm họng nhưng nhờ cầu khẩn “ơn trên” nên đã ổn. Quả thực, nam danh ca hát càng về sau càng phong độ, làm khán giả thỏa mãn ở tất cả các nốt cao.
Chỉ một hai bài hát đầu là hơi run rẩy vì đó là bài về Hà Nội, còn ca sĩ thì không cầm được nước mắt. Chương trình đạt chuẩn âm thanh và ánh sáng, không có múa phụ họa hoặc kỹ xảo gì khác.
Thiết kế sân khấu kết hợp ánh sáng khá ấn tượng dù có vẻ hơi rối. Nói chung Bằng Kiều in concert đủ tầm thỏa mãn những ai thích Bằng Kiều.
Không chỉ gần với số đông về âm nhạc mà Bằng Kiều còn tỏ ra thân mật trong giao lưu. Giữa chương trình, anh đưa gia đình gồm có mẹ, vợ và 3 con trai lên sân khấu.
Mẹ anh nói những lời cảm ơn chân tình tuy hơi dài gửi đến những người thầy của con trai và khán giả. Sau khi tặng mẹ một bó hoa “vớt vát” 20-10 (ngày lễ mà lần đầu tiên anh biết đến), Bằng Kiều tặng hoa hồng và nhẫn cho vợ kỷ niệm 10 năm ngày cưới.
Trizzi Phương Trinh không nói gì, chỉ rưng rưng cảm động. Khán giả được thể, tỏ ra suồng sã: “Hôn đi! Hôn đi!”. Bằng Kiều hôn con. Khán giả (giọng nữ): “Hôn vợ cơ mà!”.
Ngoài việc là ngôi sao của đại chúng, một lý do có thể khiến việc Bằng Kiều khoe gia đình trở nên có ý nghĩa. Đó là hoàn cảnh khá đặc biệt của anh: Một người con Hà Nội trở về sau thời gian dài xa cách.
Cũng có thể sự lâu trở về của Kiều khiến cho tình cảm khán giả Hà Nội dành cho anh thêm mặn nồng. Phổ biến tình trạng Bằng Kiều vừa hát một câu (cũng chả cần có nốt nào cao), khán giả đã vỗ tay tán thưởng.
Hình ảnh đáng nhớ của chương trình là khi Mỹ Linh yêu cầu khán giả thắp điện thoại di động để tạo thành một trời sao trên mặt đất khi cô cùng Bằng Kiều song ca Trái tim không ngủ yên.
Bằng Kiều nói cảm ơn Mỹ Linh vì nhờ bài song ca này, mà anh bước chân vào nghề ca sĩ. “Không có em thì không có anh”, Kiều nhấn mạnh.
Mỹ Linh cho hay, lần nào hát cùng nhau (ở hải ngoại), Kiều cũng cảm ơn chị về việc này nhưng chị không dám nhận, cho rằng Bằng Kiều nổi tiếng là do cái duyên của chính anh.
Nhiều người cứ “chê” Bằng Kiều cũ quá, nhưng thực ra mà nói, anh thức thời. Cứ cái gì khán giả thích thì dù cũ dù mới anh đều hát hết.
Dù sao anh cũng là một ca sĩ có giọng riêng và chính nó làm cho anh có phong cách riêng. Cũng có thể nói rằng anh đã có công làm mới, “làm khó” một số bài hát xưa.
Những bài như Phút cuối, Buồn ơi chào mi… vốn đã trở nên nhàm, dễ nghe, dễ hát qua những giọng hát quen thuộc nay được thổi vào một luồng hơi mới, thách thức hơn - luồng hơi của Bằng Kiều.
Có thể thấy Bằng Kiều khá thận trọng trong lựa chọn bài để hát. Hầu như những bài Bằng Kiều đã hát đều được đón nhận. Đó có thể là bài hát mới nhưng thường “chất” không có gì mới.
Một số người tiếc rẻ với chất liệu giọng ấy, nếu Bằng Kiều sử dụng để sáng tạo những thứ mới mẻ, phá cách hơn thì sẽ còn hay hơn; rồi Bằng Kiều đã quá dễ dàng thỏa hiệp với khán giả ở nơi mới.
Thực ra chẳng riêng gì Bằng Kiều mà hầu như bất cứ giọng hát đã có danh trong nước nào sang hải ngoại thì đều mang phong cách hải ngoại cả. Cũng phải thông cảm cho họ vì “ở bển” không dễ dàng gì để có một đời sống âm nhạc phong phú khi ca sĩ chỉ hát vào cuối tuần cho một lượng khán giả khép kín.
Nếu ca sĩ không nhanh chóng thích nghi sẽ không có cơ hội để làm lại. Mà thực ra có mấy ca sĩ trong nước (nhất là cùng lứa với Bằng Kiều) có thể tự hào mình có cá tính sáng tạo, có khả năng định hướng khán giả?
Khán giả ở đâu thì cũng có độ bảo thủ tương đồng. Bằng chứng là khán giả Việt Nam không phân biệt trong hay ngoài nước đều có không ít “thần tượng” chung.
Theo Mỹ Linh thì không phải chị không làm được những album nhạc xưa nhưng ca sĩ thời nào thì nên hát nhạc thời đấy: “Nếu cứ hoài cổ để nhạc xưa chiếm lĩnh thị trường thì quả là vô lý. Nhạc xưa hay nhưng không thể hay mãi mãi và nhạc Việt không chỉ có thế. Nếu cứ thế thì nền âm nhạc trở nên tàn tật, không phát triển và rồi thế hệ trẻ sẽ chỉ nghe nhạc ngoại”.
Bằng Kiều thì lại là một ví dụ cho việc “ca sĩ ở đâu hát nhạc ở đấy”. Trong lần về nước hòa nhạc này, Kiều hát lại một số bài thời Làn sóng xanh mà anh gọi là thời “nhạc Việt lên ngôi” và một số thể loại anh sẽ không hát ở hải ngoại như Phú Quang.
Chắc hẳn nếu về nước “làm ăn” thường xuyên hơn, thực đơn âm nhạc của anh sẽ lại thay đổi.
TT - Trung tâm văn hóa Phương Nam - làng nghề Huế vừa cho biết danh ca hải ngoại Lệ Thu sẽ biểu diễn và giao lưu với công chúng Huế tại Cà phê sách Phương Nam (15 Lê Lợi, TP Huế) vào 20g ngày 9-11.
Ca sĩ LỆ THU - ảnh Gia Tiến
Bằng giọng ca đầy ắp kỷ niệm và tràn đầy tình cảm, ca sĩ Lệ Thu sẽ trình bày những bài hát gắn liền với tên tuổi mình như: Hẹn hò, Em lễ chùa này (Phạm Duy), Biển nhớ, Hạ trắng (Trịnh Công Sơn), Chiếc lá cuối cùng (Tuấn Khanh), Bài tình ca mùa đông (Trầm Tử Thiêng), Anh cho em mùa xuân (Nguyễn Hiền),Ảo ảnh, Đồi thông (Y Vân)...
Ngoài ra, một trong những giọng ca hát tình khúc hay nhất của nền tân nhạc VN còn trực tiếp giao lưu với khán giả về chuyện đời, chuyện nghề của mình.
TT - Tính tới tối 28-10, 17 vở diễn đã được trình làng trong Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tại Đồng Nai.
Hơn nửa chặng đường đã đi qua, diện mạo sân khấu cải lương cả nước cũng đang dần lộ diện.
Vở Mê cung (tác giả: Hoàng Song Việt - Triệu Trung Kiên, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên) của Nhà hát cải lương VN phản ánh nỗi niềm của những người có HIV, gái điếm, trai bao, chuyện lấy chồng Hàn Quốc... - Ảnh: Nguyễn Lộc
Trái với lo ngại của nhiều người, trong tám ngày vừa diễn ra liên hoan, khán giả Đồng Nai không đến nỗi thờ ơ với cải lương. Suất diễn nào cũng có khán giả, ít nhất kín nửa rạp, suất tối đông hơn suất sáng và hiếm khi nào xảy ra tình trạng vắng hoe. Mừng là có những khán giả đến một lần, sau đó đến thêm lần hai, lần ba, nhưng đa số là khán giả trung niên và người già, rất ít khán giả trẻ.
Cải lương vay mượn kịch bản kịch nói
"Có đến hơn 90% vở diễn cải lương phía Bắc hiện nay được chuyển thể từ kịch bản kịch nói vì có quá ít người viết kịch bản cải lương"
NSƯT Triệu Trung Kiên(trưởng đoàn 1 Nhà hát cải lương VN)
Trong số 27 vở diễn tham gia liên hoan lần này (từ ngày 20-10 đến 3-11), điều khiến nhiều người e ngại là có hơn 2/3 số lượng kịch bản cải lương được chuyển thể từ kịch bản kịch nói, có thể kể ra như: Vượt qua tâm bão(Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai), Khi hoa nở trái mùa, Mong gió đừng đổi chiều (Nhà hát cải lương Hà Nội), Nói dối là trọng tội (Đoàn nghệ thuật Tây Ninh), Tiếng vạc sành (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), Một phút một thời (Đoàn cải lương Hương Tràm), Vú cát (Nhà hát cải lương VN), Biển và bờ (Đoàn cải lương Hải Phòng), Giậu mùng tơi gãy giập(Đoàn nghệ thuật cải lương Nam Định), Cơn hồng thủy (CLB cải lương xã hội hóa Sen Việt trực thuộc Trường ĐH Sân khấu và điện ảnh TP.HCM)...
NSƯT Minh Hoàng - trưởng Đoàn cải lương Hương Tràm - buồn bã bày tỏ: “Có khá nhiều kịch bản kịch nói có nội dung tốt, được viết cô đọng và chặt chẽ trong khi nhiều kịch bản cải lương lại dài dòng, lê thê và thiếu logic. Cải lương đang xuống dốc nên rất nhiều người viết không mặn mà. Viết một kịch bản cải lương rất mất thời gian và phải am hiểu về loại hình này. Khi viết xong rồi cũng không có mấy đoàn chịu dựng, nếu họ chịu dựng thì bán đứt kịch bản chẳng bao nhiêu tiền mà hưởng theo 5% mỗi suất diễn thì càng chết, vì một vở cải lương hiện diễn chẳng được bao nhiêu suất!”.
Có thể nói tác giả trẻ hiếm hoi phía Bắc còn miệt mài viết kịch bản cải lương là NSƯT Triệu Trung Kiên - trưởng đoàn 1 Nhà hát cải lương VN, từng gây dấu ấn ở các hội diễn cải lương trước đây với những vở do anh viết kịch bản và dàn dựng như Dấu ấn giao thời, Đế đô sóng cả. Đến với liên hoan lần này, anh đem theo vở Mê cung (tác giả: Hoàng Song Việt - Triệu Trung Kiên) cũng được xem là “hàng hiếm” vì đây là kịch bản được viết dành cho cải lương. Trung Kiên khẳng định: “Có đến hơn 90% vở diễn cải lương phía Bắc hiện nay được chuyển thể từ kịch bản kịch nói vì có quá ít người viết kịch bản cải lương. Tôi hiện đang viết một kịch bản lịch sử nhưng chọn viết kịch bản kịch trước, sau đó mới chuyển thể cải lương, cốt là để cho các loại hình khác cũng có thể sử dụng được kịch bản của mình”.
Cải lương đang rất cần những kịch bản dành cho chính cải lương, khai thác hết những tinh túy, đặc sắc của loại hình này, nếu phải chịu cảnh “vay mượn” thế này, chẳng biết cải lương sẽ về đâu?
Lúng túng với đề tài xã hội, đương đại
Cái khó cho kịch bản cải lương năm nay còn là tiêu chí “tác phẩm tham dự liên hoan là những tác phẩm về đề tài hiện đại”. Không ít vở diễn đã thể hiện sự lúng túng trong cách thể hiện đề tài đương đại. Món nợ vùng ven (Nhà hát Tây Đô, Cần Thơ), Ma lực đồng tiền (Đoàn cải lương Ánh Hồng, Trà Vinh) có cách giải quyết mâu thuẫn khá sớm khiến khán giả không còn tâm lý chờ đợi những màn sau. Vượt qua tâm bão, Giậu mùng tơi gãy giập, Biển và bờ... dàn dựng thiếu kịch tính. Rất nhiều diễn viên còn mắc lỗi diễn xuất cường điệu, diễn vở tâm lý xã hội nhưng thiếu tiết chế khiến người xem có cảm giác họ đang diễn... tuồng cổ!
Dù vậy, tính đến thời điểm này đã có một vài vở diễn tạo được chú ý như Tiếng vạc sành, Vú cát, Mê cung... Khi hoa nở trái mùa phần đầu còn khiên cưỡng nhưng kịp ghi điểm ở màn cuối rất xúc động. Chị Mỹ - công tác ở Công ty Sonadezi, tranh thủ đi xem một số vở diễn - bày tỏ: “Tôi bất ngờ vì cách dàn dựng khá tốt của một số đoàn cải lương phía Bắc. Miền Nam được xem là cái nôi của cải lương, nhưng nếu mình cứ chủ quan là coi chừng thua đó!”.
Phong cách dựng vở khá hiện đại, bớt lê thê và có kịch tính của một số đoàn phía Bắc như Nhà hát cải lương VN, Nhà hát cải lương Hà Nội có vẻ được nhiều khán giả trẻ tỏ ra thích thú. Tuy nhiên, vẫn còn những vở diễn mải mê xây dựng kịch tính mà quên yếu tố trữ tình, lãng mạn, mướt mát của cải lương. Có những đoạn thoại rất dài mà không có một câu vọng cổ hay bài bản nào, đạo diễn không chắc tay nên vở diễn bị phân cắt khúc kịch, khúc cải lương!
Dựng cải lương theo kiểu cũ thì khán giả chê lạc hậu, không thật; dựng theo phong cách mới, hiện đại thì người ta lại thấy không giống cải lương! Như anh Nam - nhà ở Q.3, TP.HCM cất công xuống tận Đồng Nai xem liên hoan - nhận xét: “Xem vở Vú cát thấy hay, thấy đẹp đấy nhưng đôi lúc tôi có cảm giác như đang xem kịch!”. Lại một vấn đề đau đầu của cải lương: đổi mới làm sao, đổi mới như thế nào để cải lương vẫn đồng hành với cuộc sống đương đại mà không làm mất nét tinh túy, đặc sắc? Câu hỏi có lẽ vẫn còn đó sau một kỳ liên hoan.
Lạm dụng múa
Rất nhiều đoàn đã sử dụng các màn múa trong vở diễn để thể hiện màu sắc và sự “đương đại, hiện đại” của mình như: Mong gió đừng đổi chiều, Giọng hò Đồng Tháp, Giậu mùng tơi gãy giập, Khi hoa nở trái mùa, Ký ức mùa xuân... Tuy nhiên, rất ít màn múa thể hiện sự hài hòa, cần thiết cho vở diễn. Rất ít vở diễn biết cách biến múa thành một phần liền mạch và hỗ trợ đắc lực cho câu chuyện như Mê cung.
TT - Ban giám khảo giải Goncourt (Pháp)vừa công bố danh sách bốn tác phẩm lọt vào vòng chung kết giải Goncourt 2012, trong đó có Lame de fond (Sóng ngầm) - tiểu thuyết 280 trang của Linda Lê được Christian Bourgois xuất bản năm 2012.
Nhà văn Linda Lê (trái) trong một cuộc trò chuyện tại VN - Ảnh: TH.H.
Sự có mặt của nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê - người có tác phẩm được dịch sang tiếng Anh, Hà Lan, Bồ Ðào Nha và cả tiếng Việt như Tình ca ác quỷ (1989), Vu khống (2009), Lại chơi với lửa (2010) - trở thành một ẩn số thú vị của giải Goncourt khi giới phê bình đánh giá tác giả là một phù thủy sử dụng tài tình ngôn ngữ của Molière.
Tiểu thuyết Sóng ngầm xoay quanh bốn nhân vật chính: Văn (sinh tại Việt Nam, định cư tại Pháp), Lou (vợ Văn), Laure (con gái của Văn và Lou) và Ulma (người tình và cũng là em gái cùng cha khác mẹ của Văn). 2g sáng, Văn rời khỏi căn hộ của Ulma và bị chiếc xe do vợ anh lái cán chết. Tiểu thuyết bắt đầu bằng độc thoại của Văn trong quan tài và tiếp nối bằng bộc bạch của ba nhân vật nữ còn lại, giống như một bản nhạc bốn bè...
Khác với những sáng tác trước đều không xác định mốc thời gian, Sóng ngầm lấy bối cảnh là cuộc sống đương đại và giọng điệu mang tính châm biếm, mỉa mai hơn. Linda Lê cho biết cả bốn nhân vật chính đều thể hiện một phần hình ảnh của chính mình và tác phẩm là một thông điệp của chị về hi vọng nối lại mối liên hệ với quê hương Việt Nam.
Ba tác phẩm còn lại vào chung kết là Peste & choléra (Dịch hạch và thổ tả) của Patrick Deville (Pháp), La vérité sur l’affaire Harry Québert (Sự thật về vụ án Harry Québert) của Joël Dicker (Thụy Sĩ) - tác phẩm vừa nhận giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp cách đây vài ngày, Le sermon sur la chute de Rome (Bài giảng về sự sụp đổ của Rome) của Jérôme Ferrari (Pháp).
Giải thưởng sẽ được công bố trưa 7-11 tại Paris, cùng thời điểm với giải Renaudot.