Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

KHÁNH LINH : NSND Thu Hiền: Níu đời mình vào tiếng hát


Người nổi tiếng 





NSND Thu Hiền: Níu đời mình vào tiếng hát
14:30:00 21/02/2011
Trong số các ca sĩ hàng đầu của Việt Nam, có lẽ ít ai có số lượng băng đĩa nhiều như bà. 49 năm đi hát, bà đã có một số lượng băng đĩa khá lớn, 49 đĩa. Bà quan niệm làm nghề, đến với công chúng bằng tiếng hát, chứ không phải bằng những phát ngôn gây sốc hay những scandal như một số ca sĩ trẻ bây giờ. Chỉ tiếng hát mới neo người nghệ sĩ lại với cuộc đời, dù thời gian có thể làm cho con người già đi, mỏi mệt hơn.
Tiếng đàn tranh dịu ngừng giông gió
Tiếng đàn tranh ngân mãi nốt tình

Tiếng hát của bà bỗng cất lên cao vút trong căn nhà nhỏ của mình giữa phố Mai Dịch, lúc bổng, lúc trầm, như hút con người vào một cõi mê quyến luyến của một chữ Tình. Tiếng hát chữa lành những vết thương, làm dịu ngừng những giông gió trong tâm hồn con người. Đấy là tiếng hát của NSND Thu Hiền, mà tôi may mắn được gặp bà trong một ngày cuối năm tại Hà Nội lạnh giá, khi bà vừa từ Sài Gòn bay ra để chuẩn bị những công việc lễ nghĩa cho ngày Tết.
1.Thu Hiền kể, bà vừa về thắp hương cho người bố nuôi của mình, một người mà bà đã mang ơn cứu mạng, bởi nếu không có ông, có lẽ bà đã bị vùi mình trong hố bom của những ngày chiến tranh ác liệt. Khi đó Thu Hiền mới 2 tuổi. Ký ức buồn đó, bà đã giữ lại cho riêng mình. Nhưng mỗi lần trở về đây, bà vẫn thấy xúc động. Có lẽ tuổi thơ nhiều mất mát đã bùng cháy trong tâm hồn bà nhiều khát vọng về tình cảm, nên mỗi lần Thu Hiền cất tiếng hát, như rút ruột rút gan. Bởi tiếng hát mang theo cả những nỗi niềm riêng không thể khỏa lấp trong tâm hồn bà.
Thu Hiền giờ đã bước sang dốc bên kia của cuộc đời. Lâu nay bà theo chồng con vào Nam sinh sống, tận tụy với gia đình nhỏ bé của mình. Bà đang tất bật đóng gói những đặc sản của Hà Nội gửi vào Nam cho bạn bè: rau sống, húng láng, cây mùi già… Nhiều năm xa Hà Nội, bà vẫn không thể nào quên được những hương vị ấy. Căn nhà rộng rãi ở phố Mai Dịch, được làm nên từ công sức mồ hôi của bà bấy lâu phủ kín bạt. Một năm vài ba lần, Thu Hiền trở ra Hà Nội, một phần vì công việc, nhưng một phần bà không muốn để ngôi nhà chìm trong giá lạnh vì thiếu hơi người, rồi bà lại tất bật bay vào Sào Gòn, đảm đương những vai diễn thường ngày của mình.
Tôi thật ngạc nhiên, khi ngồi đối diện với bà, hình như thời gian và những quyết liệt của cuộc đời không đủ sức làm phai tàn nhan sắc của bà. Thu Hiền vẫn rực rỡ trong gương mặt căng mọng tràn đầy sức sống. Và khi bà cất tiếng hát, thì dường như mọi ranh giới về tuổi tác đều tan biến.
Một ngày của Thu Hiền giờ là những vai diễn khác nhau của gia đình, người vợ, người mẹ, người bà. Vất vả đấy, mệt nhọc đấy, nhưng đó là hạnh phúc của một người phụ nữ đã nếm trải quá nhiều mất mát, biết được giá trị thực của cuộc sống. Bà biết trân trọng nâng niu nó. Và sau tất cả những vai diễn đời thường, bà lại đắm mình trong tiếng hát. Chọn cho mình một góc sống lặng lẽ, không phô trương ồn ào. Mà chỉ bằng tiếng hát.
Trong số các ca sĩ hàng đầu của Việt Nam, có lẽ ít ai có số lượng băng đĩa nhiều như bà. 49 năm đi hát, bà đã có một số lượng băng đĩa khá lớn, 49 đĩa. Bà quan niệm làm nghề, đến với công chúng bằng tiếng hát, chứ không phải bằng những phát ngôn gây sốc hay những scandal như một số ca sĩ trẻ bây giờ. Chỉ tiếng hát mới neo người nghệ sĩ lại với cuộc đời, dù thời gian có thể làm cho con người già đi, mỏi mệt hơn.
NSND Thu Hiền.
Thầm lặng vậy, bền bỉ vậy, bởi con người sinh ra từ đất, chắt chiu những mầm sống đẹp nhất dâng cho đời rồi sẽ trở về với đất mà thôi. Bà đã sống như vậy, ngay cả khi ở trên đỉnh cao của nghệ thuật, hay bây giờ, trong tâm thế của một người đàn bà hát không còn trẻ, Thu Hiền vẫn giữ cho mình sự bình an, với những thứ phù hoa để mình không bao giờ chống chếnh, hụt hẫng. Và điều quan trọng là bà vẫn hát, vẫn liên tục ra album, và vẫn được khán giả chờ đợi…
Như thể bà sinh ra chỉ để hát, và bà sẽ không biết làm gì nếu không còn được hát. Lịch diễn của Thu Hiền vẫn dày đặc, khi Long An, Đồng Nai; khi Sài Gòn, Hà Nội. Dẫu có những lúc chạnh lòng, tiếng hát không còn trẻ, âm thanh không còn trong veo, và nhiều lúc, bị mất tiếng giữa chừng, nhưng những điều đó không làm nguôi tắt niềm đam mê trong tâm hồn người nghệ sĩ.
Niềm đam mê đã làm cho người đàn bà hát không có tuổi như bà được thăng hoa trên sân khấu, và chỉ cần Thu Hiền cất tiếng hát thì mọi nỗi buồn vui đau khổ hay cả những chạnh lòng đều tan biến. 10 tuổi đã xách ba lô ra khỏi nhà bác nuôi và tự chịu trách nhiệm về những quyết định trong cuộc đời mình. Đó cũng là lúc Thu Hiền cất tiếng hát. 15 tuổi vào chiến trường, 16 tuổi vượt sông Bến Hải.
Thu Hiền vẫn bảo, bà là "người sót lại của rừng cười". Đôi lúc bà không hiểu, tại sao giữa mưa bom bão đạn mịt mùng, bà lại may mắn được trở về. Nên được sống đã là một điều hạnh phúc. Và dù đi đâu, thì màu xanh của chiếc áo lính vẫn là nỗi ám ảnh trong tâm trí bà, để khi Thu Hiền cất tiếng hát, như làm xoa dịu được mọi nỗi đau.
2. Thu  Hiền giờ xa lạ hoàn toàn với cơ chế thị trường. Thậm chí có lúc thấy mình lạc lõng. Bởi thế hệ bà, tiếng hát cất lên từ trái tim, và được công chúng đón nhận bằng trái tim. Khi tổ chức show diễn phải xin tài trợ, khi công nghệ lăng xê đang làm đảo lộn các giá trị. Nhưng bà tin vào sự kiên định của mình.
Có lần Thu Hiền định làm show, nhưng rồi bà từ bỏ ý định đó bởi nếu muốn tổ chức show lại phải cạy cục đi xin tài trợ. Nghĩ mà buồn, nhưng đó là cơ chế. Mà Thu Hiền thì không thể thích nghi được với cơ chế đó. Nên một show diễn của NSND Thu Hiền vẫn chỉ nằm trong dự định. Trong khi nhiều ca sĩ trẻ bây giờ, liên tục tổ chức show, thậm chí một năm mấy lần. Cho nên có ai đó bảo rằng, Thu Hiền bảo thủ, hay không thức thời, bà cũng chấp nhận. Nhưng bà nhất quyết giữ trọn đạo với nghề. Bởi thế hệ bà, coi nghệ thuật là một thánh đường thiêng liêng, và sống chết với nó bằng niềm đam mê bản năng của chính mình, niềm đam mê chảy từ trong huyết mạch. Cũng như cách bà chọn dòng nhạc dân gian, dù vẫn bị lép vế so với dòng nhạc trẻ, nhưng nó như một nguồn suối tươi mát len chảy vào trái tim con người, chạm đến tâm thức của mỗi người con Việt Nam. Nên dù thời đại nào đi chăng nữa, bà vẫn tin nó có một chỗ đứng nhất định. Không ồn ào phô trương, không màu mè, hình thức nhưng bền bỉ và sâu lắng.
Nói không sai rằng, dòng nhạc dân tộc có một vị thế như ngày hôm nay, có sự đóng góp không nhỏ của những người như Thu Hiền, Trung Đức,v.v, những con người đã chung thủy, bền bỉ với niềm đam mê của mình mà không chạy theo thị trường hay danh lợi. Có những thời đoạn, đó là những năm 1990-1992, dòng nhạc dân tộc rơi vào bế tắc, khi nhạc nhẹ ồ ạt chảy vào Việt Nam, và cả dòng nhạc hải ngoại đổ về.
Nhiều ca sĩ đã bỏ đi hát nhạc trẻ, để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của đông đảo công chúng, để có thể tồn tại với nghề. Nhưng Thu Hiền thì không, bà vẫn kiên định trên con đường của mình. Một mình ra album vào chính thời đoạn gian khó. Lần đó, Thu Hiền đã mạo hiểm tự bỏ tiền túi ra thu và làm đĩa, bởi bà vẫn tin rằng, dòng nhạc dân tộc có những lúc thăng trầm theo thời cuộc, nhưng nó vẫn có vị thế riêng. Không ngờ, 3-4 album của bà được công chúng đón nhận, đi đâu cũng nghe “Hương Cau”, “Hà Tĩnh quê mình”…
Thậm chí đĩa của bà còn được mang sang tận các nước, cạnh tranh với tiếng hát của những ca sĩ hải ngoại thời đó. Và Thu Hiền hiểu, chỉ có tiếng hát, cất lên từ trái tim, sẽ đến được với trái tim. Nhiều ca sĩ trẻ bây giờ, nổi lên nhờ công nghệ lăng xê, nhưng tiếng hát của các em không chạm được đến trái tim của người nghe, rồi sẽ rơi vào quên lãng. Thu Hiền bảo, khán giả bây giờ họ tinh lắm, và họ có đủ hiểu biết để lựa chọn cho mình những bài hát yêu thích.
Và ở thời đoạn nào, giọng ca của NSND Thu Hiền vẫn cất vang, mà không đong đếm thiệt hơn, để giữ cho âm nhạc Việt Nam một dòng nhạc thực sự có giá trị và lay động tâm thức của mỗi con người. Bền bỉ và nhẫn nại, tiếng hát của bà, cứ thấm vào tâm hồn mỗi người, thầm lặng và sâu lắng như tình yêu của đất.
Bà quan niệm, làm nghệ thuật mỗi hoa một màu sắc. Phải có cái riêng của mình, tự mình làm nên, không phải là cái riêng cố tạo ra, mà nó tuôn chảy tự nhiên từ trong huyết mạch của mỗi con người. Nhiều ca sĩ trẻ bây giờ, cứ cố để giống một ai đó mà họ cho là thần tượng, nhưng đó cũng là cách tự đánh mất mình. "Làm nghệ thuật cũng mất nhiều nước mắt. Cũng phải khổ luyện, phải chấp nhận, phải trả giá để luôn được là mình".
Một cuộc đời nhiều giông gió, nhiều cơ cực, nhưng Thu Hiền bây giờ đã thực sự tìm được sự bình an. Nổi tiếng là khá cầu kỳ và kỹ tính trong cách chọn bài, Thu Hiền bây giờ, dù không phải là thời của hoàng kim, nhưng bà vẫn không vì thế mà dễ dàng nhận sô nếu những bài hát không phù hợp với mình. Bà không quan tâm đến tiền cát xê, nhưng đó phải thực sự là những bài hát bà yêu thích.
Thu Hiền là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi sống được bằng nghề, từ việc thu và bán băng đĩa. Dù cũng chật vật và khó khăn, đến mức hai cô con gái của bà bây giờ, nhìn vào tấm gương lao động nghệ thuật của mẹ, họ có thể rất trân trọng, nhưng không ai lựa chọn đi theo con đường của bà. Bởi họ hiểu, trên con đường đó, mẹ của họ cũng đã phải hy sinh, phải chấp nhận...
Bấy lâu nay, Thu Hiền sống rất lặng lẽ. Bà gần như tránh không xuất hiện trên báo chí. Với những người nghệ sĩ lớn như bà, thì sự bon chen danh lợi của cuộc đời không còn chạm tới được nữa. Mà chỉ có tiếng hát. Bởi âm nhạc, lúc nào cũng là chốn nương thân của người đàn bà hát này, giúp NSND Thu Hiền hóa giải hết những muộn phiền trong cõi nhân gian

Khánh Linh - An ninh thế giới giữa tháng số 37





Ý kiến của bạn
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Tắt bộ gõ Tự động Telex VNI VIQR


Xem tiếp 
Các bài mới:
     NSND Trà Giang: Mối tình đầu tiên và mối tình cuối cùng (30/10)
     NSND Lê Trọng Nghĩa- Người nghệ sĩ một đời hát về Hà Nội (11/10)
     Tôi thấy cánh buồm, màu đỏ, riêng đơn... (03/10)
     Người Cộng sản không bao giờ ngơi nghỉ (26/09)
     Nhạc sĩ Trần Tiến: Tôi giờ như đứa trẻ ngồi khóc nhớ nhà... (01/08)
     Diễn viên Hoa Thúy "vào vai bằng rung cảm vẹn nguyên, đầy ắp" (20/07)
     NSND Trần Phương: Cảm hứng còn tươi nguyên như 30 năm trước (20/07)
Các bài đã đăng:
     NSƯT Việt Hoàn: Âm nhạc mang lại cho tôi tất cả (20/02)
     Nữ nghệ sĩ Piano Trang Trịnh: Một cung đàn của mùa xuân (18/02)
     Việt Anh: “Hôn nhân đổ vỡ là do… tôi” (16/02)
     Trần Lực: Ba đời vợ... hơi nhiều (08/02)
     Đạo diễn Đặng Nhật Minh và những bộ phim gắn liền số phận (02/02)
     Hồng Nhung: "Giữa tôi và Trịnh chắc chắn là tình yêu" (30/01)
     Nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Tôi rong chơi quần quật suốt ngày…” (26/01)
 

MINH THÀNH : Danh cầm Tạ Tấn: Guitar bần bật khóc


Người nổi tiếng 






Danh cầm Tạ Tấn: Guitar bần bật khóc
11:35:14 29/03/2012
Một đời mê đắm guitar, từng dạy rất nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng với cây đàn này, danh cầm Tạ Tấn đã trút hơi thở cuối cùng vào 19 giờ ngày 14/3/2012 tại Hà Nội, thọ 87 tuổi. Nhớ ông, lại nhớ câu tâm sự của ông thuở nào: “Chỉ khi nào xuôi tay tôi mới thôi làm nghệ thuật”.
Tình si tuổi trẻ
Thực ra guitar không phải là nhạc cụ đầu tiên mà Tạ Duy Thái (tên thật của nghệ sĩ Tạ Tấn) tìm tới. Cậu bé có nhiều năng khiếu nghệ thuật này lớn lên trên phố Hàng Bồ, trong một gia đình tiểu thương, ngay từ nhỏ đã bị lôi cuốn bởi âm nhạc. Cũng ở thời điểm đó, người “Hà thành hoa lệ” bị cuốn vào phong trào học nhạc rất sôi nổi. Tạ Tấn cũng đã bị quyến rũ bởi những giai điệu lãng mạn huyền linh và đã rất muốn được trở thành nghệ sĩ chơi đàn dương cầm. Thậm chí cậu đã dấn thân vào cuộc sống tự lập, làm đủ các nghề tìm sinh kế để có thể theo đuổi đam mê này.
Tuy nhiên, cái khó bó cái khôn nên chỉ sau một thời gian, Tạ Tấn phải tìm tới một nhạc cũ đỡ mắc tiền hơn, đó là vĩ cầm. Thế rồi, vì không thể có đủ tiền để theo đuổi “nghiệp Paganini” nên rốt cuộc, Tạ Tấn đã tìm tới guitar như một phương tiện tri ân âm nhạc hợp sức nhất. Và dần dà guitar đã trở thành niềm đam mê bền vững đi cùng Tạ Tấn tới cùng trời cuối đất.
Người thầy dạy guitar đầu tiên cho Tạ Tấn là một thương gia người Nhật, có cửa hàng Yamoto cạnh nhà ông. Tạ Tấn kể, ngày đó dù còn nhỏ, mới hơn mười tuổi thôi, nhưng tối tối nghe thấy ông người Nhật ở kế bên chơi guitar là thích lắm. Và đánh bạo sang xin học… Và học rất chí thú. Cứ thế, tới tuổi 15, Tạ Tấn đã chơi guitar thành thạo. Rồi ông vào Sài Gòn lo công chuyện buôn bán giúp gia đình nhưng vẫn không quên được những ngón đàn đã học.
Tình cờ, trong một quán bar, gặp được một nghệ sĩ Philippines chơi guitar rất diệu nghệ, Tạ Tấn xin ngay làm đệ tử. Và bị cuốn vào cơn say nghệ thuật đến quên cả “đường về quê mẹ”. Khi gia đình ở Hà Nội không chu cấp cho kinh phí nữa, Tạ Tấn đã xin vào làm luôn ở quán bar đó để tiếp tục được “thụ giáo” chơi đàn…  Cùng với ông thầy ngoại, Tạ Tấn đã biểu diễn ở nhiều nhà hàng có tiếng tại “hòn ngọc Viễn Đông” thuở đó,…
Tới năm 1944, khi cảm thấy mình đã có thể “mua vui cũng được một vài trống canh” cùng guitar rồi, Tạ Tấn mới quay ra Hà Nội và chơi đàn cho sàn nhảy Paramon (ở tầng hai nhà Goda cũ (nay là Tràng Tiền Plaza). Yêu đàn, ông bất chấp những thị phi về một kiếp “xướng ca vô loại” vì với ông, những niềm vui từ giai điệu guitar vang lên có thể thay thế cho nhiều lạc thú ở đời…
Danh cầm Tạ Tấn thời trẻ.
Đồng khí tương cầu
Càng gắn bó với guitar, Tạ Tấn càng muốn có thêm nhiều người cùng mình phổ biến nhạc cụ này. Và năm 1944, ông đã cùng người em trai là Tạ Ðắc mở lớp dạy guitar tại 31 và 60 Hàng Bồ. Đã có khá đông người, kể cả những người lớn hơn tuổi thầy, tới học guitar cùng Tạ Tấn…
Trong những ngày toàn quốc kháng chiến, Tạ Tấn đã hăng hái tham gia tự vệ thành, thuộc Trung đội 1 phố Hàng Bồ, Đại đội Đông Thành, Liên khu I. Trong những năm 1946 - 1947, ông theo học quân sự tại Sơn Tây. Sau đó, với vốn ca đàn của mình, Tạ Tấn đã tham gia Đội Tuyên truyền ở huyện Mỹ Đức, Hà Tây cũ... Rồi ông quay trở về Hà Nội để theo đuổi nghiệp biểu diễn guitar của mình. Với Hà thành thuở đó, Tạ Tấn là một tên tuổi khá nổi bật, một người sáng tác tài hoa, một nghệ sĩ biểu diễn guitar hấp dẫn, một ông chủ hiệu đàn thành đạt…
Sau khi hòa bình lập lại, năm 1959, ông đã hiến cho Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Nhạc viện Hà Nội), lúc đó mới được mở ra, căn nhà 92 Hàng Trống 160 m2 và nhiều nhạc cụ quý khác... Và trở thành giảng viên của trường, ông đã mở lớp dạy guitar chuyên nghiệp đầu tiên ở nước ta, hệ trung cấp bốn năm.
Bằng kinh nghiệm và hiểu biết dày dạn của mình, Tạ Tấn đã sớm biên soạn sách học guitar với một ngôn ngữ chuẩn mực và dễ tiếp thu đối với người học. Ông còn dành rất nhiều công sức để chuyển thể và chuyển thể rất thành công nhiều bài dân ca cho guitar biểu diễn. Không phải là người được đào tạo hàn lâm nhưng ông đã đi sâu vào thực tế để tích lũy được một vốn kiến thức âm nhạc đa dạng và sâu sắc. Ông hiểu rất rõ đặc điểm dân ca từng vùng trong nước và biết cách khai thác những thủ pháp kỹ thuật phù hợp từng bài, biểu hiện khả năng đa dạng của cây đàn guitar. Nhờ thế, ông đã chuyển soạn được tới 15 tập dân ca cho guitar với nhiều bài vẫn là những tiết mục được ưa thích biểu diễn của nhiều thế hệ nghệ sĩ nước nhà.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, trong số những bản dân ca chuyển thể cho guitar của Tạ Tấn có những viên ngọc sang trọng và tinh tế như các khúc quan họ Bắc Ninh Hoa thơm bướm lượn, Trèo lên trái núi Thiên Thai, Yêu nhau ngả nón ra ngồi, Xe chỉ luồn kim, Lý cây đa, Trống cơm hay các bài dân ca Thái Inh lả ơi, Xòe hoa, dân ca Tày Hát then, dân ca Mông Chị Mai đi chợ, hoặc dân ca RaGlai Mặt trời quá nắng, Em ơi biết chăng… Ông cũng thành công trong việc soạn lại cho guita các giai điệu chèo như Tình quê, Xẩm xoan, Cách cú, Lưu Thủy hay bài Ru con Nam Bộ và bài dân ca Liên khu 5 Lý thương nhau…
Cho tới lúc về hưu, Tạ Tấn đã có tới cả ba thập niên liên lục dạy guitar ở Nhạc viện Hà Nội. Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, khó ai có thể tính được bao nhiêu nghệ sĩ hoặc chỉ đơn thuần là người mê guitar đã được Tạ Tấn dạy dỗ thành tài. Trong số những người học trò mà Tạ Tấn  có thể tự hào có những gương mặt nghệ sĩ sáng giá như Trần Văn Thân, Ngô Ðăng Quang, Nguyễn Lương Bình, Nguyễn Ðức, Nguyễn Văn Di, Lê Hùng Phong... Nghệ sĩ Ðặng Ngọc Long, người Việt đầu tiên được giải guitar quốc tế năm 1987 cũng từng có thời gian là học trò của Tạ Tấn. Với công lao đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc nước nhà, ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (1990) và nhận Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục (1995)…
Tài hoa một kiếp
Tạ Tấn là người có thiên hướng nghệ thuật bẩm sinh. Trong ông dường như lúc nào cùng cháy bỏng khát khao vươn tới cái đẹp. Guitar đã là một trong những phương tiện và là phương tiện hữu hiệu nhất để ông bộc lộ tình cảm của mình với cõi sống.
Tất cả những ai có dịp chứng kiến Tạ Tấn chơi guitar đều không thể quên được những âm thanh đầy gợi mở vang lên khi những ngón tay diệu nghệ của ông lướt trên những sợi dây đàn. Ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Tạ Tấn cũng dồn hết tâm huyết vào những ngón tay lướt trên các dây đàn. Và ông luôn biết đánh thức những cảm xúc tương ứng trong lòng người nghe tới tận cùng, không để thừa một vụn không gian nhỏ nào cho những lan man ngoài cuộc. Không hiểu sao mỗi khi nghe ông đánh đàn, cá nhân tôi luôn thấy vang lên trong lòng mình nỗi xúc động như khi đọc bài thơ viết về đàn guitar của nhà thơ lớn người Tây Ban Nha Garcia Lorca (bản dịch của nhà thơ Hồng Thanh Quang):
“Guitar
bần bật khóc.
Buổi sáng
vỡ bình yên.
Guitar
bần bật khóc.
Không thể nào
dập tắt.
Không thể nào
bắt im.
Guitar bần bật khóc
như nước chảy theo mương
như gió trườn trên tuyết.
Không thể nào dập tắt.
Guitar khóc
không ngừng
những chuyện đời xa lắc.

Như mũi tên vô đích
như hoàng hôn thiếu vắng ban mai
như hạt cát miền Nam bỏng rát
xót xa than lạnh giá sắc sơn trà
như chú chim đầu tiên chết gục
trên cành.

Ôi guitar
nạn nhân khốn khổ đáng thương
của bàn tay - bộ dao năm lưỡi!”

Có lẽ trong bàn tay của Tạ Tấn, cây đàn guitar không phải là “nạn nhân khốn khố đáng thương” mà là báu vật trời cho ngay cả khi đang “bần bật khóc”…
Không chỉ sáng tạo vô biên với cây đàn guitar, Tạ Tấn còn được nhiều người nhớ tới như một họa sĩ lạ thường, có thể biến hóa những gốc sắn đơn sơ thành những bức tượng độc nhất vô nhị theo các chủ đề khác nhau. Chỉ cần nghe tên của các bức tượng đó là ta có thể hình dung ra được trí tưởng tượng phong phú cũng như đôi bàn tay cực kỳ khéo léo của ông trong những trò thổi hồn cho gốc sắn: Vũ nữ, Hát chầu văn, Gảy đàn tính, Tiều phu gánh củi, Suối tóc, Vươn tới vì sao...
Tới cuối đời, Tạ Tấn đã có tới hơn 300 điêu khắc, tượng gốc sắn.. Nhiều tác phẩm mỹ thuật độc đáo của ông đã được bày tại các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế, thậm chí có mặt cả ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đã có lần ông tâm sự: “Đối với tôi, trong âm nhạc hay điêu khắc vẫn là con người với những khát vọng về tình yêu, cuộc sống và lẽ sống công bằng, hạnh phúc... Và với tôi, lao động nghệ thuật luôn luôn là niềm vui!”.
Giờ thì Tạ Tấn đã nhẹ bước tây thiên! Ông để lại sau mình những cảm hứng bất tận từ tiếng đàn guitar thượng thặng cùng vô vàn những sáng tạo nghệ thuật khác cho đời. Sau khi ông mất, người con trai thứ của ông, thượng tá, nghệ sĩ Tạ Tiến, tâm sự: “Lúc sống, bố tôi rất ít khi nói về mình. Và dạy dỗ con cháu cũng đừng bao giờ dùng những lời to tát…”. Những gì đích thực thì bao giờ cũng thế, khiêm nhường và lắm phần lặng lẽ, nhưng lại rất vang xa bởi sức nặng tài năng và tâm hồn phi thường của nó. Tạ Tấn thật sự là một nhân cách nghệ thuật lớn và đích thực… Cầu mong cho linh hồn ông được phiêu diêu cực lạc!

Minh Thành (An ninh thế giới cuối tháng số 127)
http://www.cand.com.vn/vi-VN/nguoinoitieng/2012/3/168764.cand




Ý kiến của bạn
Tên của bạn:
Email:
Tiêu đề:
Tắt bộ gõ Tự động Telex VNI VIQR


Xem tiếp 
Các bài mới:
     NSND Trà Giang: Mối tình đầu tiên và mối tình cuối cùng (30/10)
     NSND Lê Trọng Nghĩa- Người nghệ sĩ một đời hát về Hà Nội (11/10)
     Tôi thấy cánh buồm, màu đỏ, riêng đơn... (03/10)
     Người Cộng sản không bao giờ ngơi nghỉ (26/09)
     Nhạc sĩ Trần Tiến: Tôi giờ như đứa trẻ ngồi khóc nhớ nhà... (01/08)
     Diễn viên Hoa Thúy "vào vai bằng rung cảm vẹn nguyên, đầy ắp" (20/07)
     NSND Trần Phương: Cảm hứng còn tươi nguyên như 30 năm trước (20/07)
Các bài đã đăng:
     NSND Hải Ninh: Niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam (22/03)
     Võ sư - đạo diễn Lý Huỳnh: Âu lo dẫu lắm, mừng vui vẫn đầy (21/03)
     Ngày xuân về Cà Mau nhớ bác Nguyễn (22/01)
     Những nghịch lý trong làng văn nghệ (08/01)
     Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn: Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ… (21/12)
     “Lời quê” trữ tình, sẽ lan tỏa xa (20/11)
     Lê Cát Trọng Lý du ca những giấc mơ đời (13/11)

THIÊN HƯƠNG : Ý Lan nức nở hát nhạc Phạm Duy

NGUYỄN THỊ MINH CHÂU : Nhiều lỗ hổng trong hoạt động âm nhạc




Nhiều lỗ hổng trong hoạt động âm nhạc
TT - Từ hội thảo “Phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật VN - thực trạng và giải pháp”, với tư cách nhà nghiên cứu của Hội Nhạc sĩ VN, tác giả Nguyễn Thị Minh Châu gửi đến Tuổi Trẻ bài viết xoay quanh vấn đề quản lý nghệ thuật từ góc nhìn âm nhạc.


Tuổi Trẻ trích đăng:
Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, chưa bao giờ đời sống ca nhạc ở ta rộng mở, đa màu đa sắc đa chiều và cũng bộn bề, dễ lệch chuẩn loạn chuẩn như trong thời chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ này. Cũng chưa bao giờ tình hình âm nhạc bị coi là thiếu chuyên nghiệp và mất cân đối như lúc này.
Thiếu chuyên nghiệp, mất cân đối - lỗi này thường đổ hết cho thị hiếu công chúng, cho mối quan hệ cung - cầu của kinh tế thị trường, chứ không có chuyện công khai thừa nhận con thuyền chao đảo trước hết là do người cầm lái điều khiển và định hướng. Sự đề cao thành tích và khó chấp nhận những ý kiến phản biện cũng là một nguyên do khiến việc quản lý âm nhạc càng thêm lúng túng và khó đạt hiệu quả mong muốn.

Cấm đoán chỉ chứng tỏ sự bất lực

Để đưa ra định hướng phù hợp và kịp thời, người quản lý phải có tầm nhìn và bản lĩnh. Để tổ chức thực hiện hoạch định một cách tối ưu, người quản lý không thể không có nghề. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa đào tạo nghề quản lý chuyên nghiệp cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Công việc quản lý thường đặt lên vai người làm chuyên môn nghệ thuật, tức là được đào tạo về chuyên ngành âm nhạc chứ không phải nghề quản lý. Không có bằng cấp quản lý, chỉ dự lớp bồi dưỡng vài ba tháng là nhà chuyên môn biến thành người quản lý. Hiện nay tiêu chuẩn người giữ chức vụ lãnh đạo còn phải có đủ chức danh (giáo sư, tiến sĩ) hoặc danh hiệu (NSND, NSƯT). Quy định này nếu không thúc đẩy cuộc chạy đua chức danh giả cho người làm chuyên môn yếu, thì cũng góp phần đánh đổi một người làm chuyên môn tốt lấy một nhà quản lý tồi.
Ở thời đại công nghệ tin học, nhà quản lý không thể quản theo cách bó chặt, quản không nổi thì cấm. Cấm đoán chỉ chứng tỏ sự bất lực. Kể cả với loại nhạc thảm họa, nhạc rác rưởi, không thể loại trừ kiểu cấm tiệt, mà trước hết nhà quản lý phải làm mọi cách để cung cấp nhạc hay, nhạc sạch. Muốn tạo nên môi trường âm nhạc lành mạnh thì nhà quản lý cần đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng cho các hoạt động âm nhạc. Xây dựng mặt bằng ở đây không chỉ theo nghĩa đen là cơ sở kiến trúc nhìn thấy được (trường đào tạo, nơi giải trí và thưởng thức nghệ thuật...), mà còn là vấn đề con người, là dân trí, là quyền sáng tạo và thưởng thức âm nhạc với những thị hiếu khác nhau.

Nhiều tắc trách, nhiều phàn nàn

Người quản lý âm nhạc hiện nay đang đối mặt với cả một mối bòng bong không biết gỡ từ đâu. Có rất nhiều sạn trong đào tạo chuyên ngành, giáo dục đại chúng, quảng bá truyền thông. Có rất nhiều tắc trách trong chế độ chính sách đối với nghệ nhân nhạc cổ, trong bồi dưỡng lao động nghệ thuật cho nghệ sĩ giao hưởng thính phòng, trong thù lao chất xám ở lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc. Có rất nhiều phàn nàn về các chương trình hoành tráng (vẫn được gọi là ca nhạc “cúng cụ”) tốn kém kinh phí nhà nước, nhưng thiếu chất lượng nghệ thuật và không có khán giả. Vậy dùng tiền thuế của dân với mục đích là hướng tới công chúng không hay chỉ để đáp ứng yêu cầu lễ lạt?
Còn có rất nhiều lỗ hổng trong kiểm soát hoạt động âm nhạc khiến các nhà quản lý luôn bị động trong các vụ kiện cáo bản quyền, cấp phép biểu diễn, quy định trang phục ca sĩ... Bộ máy quản trị không thể vận hành một cách thấu tình đạt lý khi thiếu hành lang pháp lý hoàn chỉnh, một bộ luật chuyên ngành cho lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và luật âm nhạc nói riêng...
Quản lý không chỉ là một nghề mà còn là một nghệ thuật, như định nghĩa của nhà văn - nhà quản lý Mary Parker Follett: “Quản lý là nghệ thuật đạt được mục đích thông qua người khác”. Quản lý nghệ thuật âm nhạc càng đòi hỏi có nghệ thuật, bởi sự điều hành đó ảnh hưởng trực tiếp đến sắc diện đời sống âm nhạc hôm nay, và để lại dư âm to lớn cho sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà mai sau.
NGUYỄN THỊ MINH CHÂU
Nhiều câu hỏi cho văn hóa nghệ thuật Việt Nam
Ngày 30-10, hội thảo “Phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật VN - thực trạng và giải pháp” đã diễn ra tại Hà Nội. Đây cũng là nội dung một đề tài cấp bộ do Vụ Khoa học - công nghệ và môi trường (Bộ VH-TT&DL) đang thực hiện.
Từ điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật, văn học đến âm nhạc, múa đều được mang ra mổ xẻ. Đặc biệt, văn hóa truyền thống dân tộc tồn tại và phát triển như thế nào đang trở thành một vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Thậm chí, một nhà nghiên cứu âm nhạc đặt câu hỏi: âm nhạc dân tộc có còn là quốc nhạc của VN trong giai đoạn nhạc ngoại tràn làn, giới trẻ phát cuồng theo các trào lưu âm nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản?... Các tham luận cũng hướng đến việc tìm kiếm một giải pháp hữu hiệu cho việc phát triển văn hóa nghệ thuật trước nhiều thách thức.
H.H.
Thứ Tư, 31/10/2012, 07:33 (GMT+7)