Chiếc áo nhung đen sang trọng, mái tóc vấn khăn nhung cuộn tròn ôm lấy khuôn mặt sáng như trăng rằm, đôi mắt mơ màng, đôi môi cằn chỉ hệt như những thiếu phụ Việt Nam xưa, với dáng ngồi đài các, thanh lịch đầy nét Tràng An, ca nương Phạm Thị Huệ chiếm ngay cảm tình của khán thính giả đêm Ca Trù bởi nét đẹp thật đoan trang thuần Việt của mình. Cùng với tài năng đàn ca thiên phú, Phạm Thị Huệ còn là một trong những người đã rất cố gắng trong việc vực dậy nghệ thuật Ca Trù tưởng chừng đã rơi vào quên lãng. Ngoài việc biểu diễn, cô còn đào tạo được những lớp ca nương, kép đàn, đào đàn trẻ kế thừa, tổ chức những buổi giới thiệu nghệ thuật Ca Trù đến các bạn thanh thiếu niên, tham dự những liên hoan âm nhạc giao lưu với các bạn quốc tế và truyền dạy Ca Trù đến những ai yêu thích nghệ thuật cổ truyền trong một thời gian dài.
Đêm nay, Phạm Thị Huệ thỏng "Tỳ Bà Hành", một bài hát nói đủ độ dài và khó mà chỉ có những ca nương học thật kỹ lưỡng, nhuần nhuyễn và được Thầy cho phép ra nghề (làm lễ mở xiêm áo) mới có đủ lực để hát tốt bài hát nói kinh điển này.
"Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu Người xuống ngựa, khách dừng chèo Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty...
... Cùng một lứa bên trời lận đận Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau Từ xa Kinh khuyết bấy lâu Tầm dương đất trích gối sầu hôm mai...
... Lệ ai chan chứa hơn người Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh"
(Tỳ Bà Hành - Bạch Cư Dị - Việt dịch: Phan Huy Vịnh)
Ca nương: Phạm Thị Huệ Đào đàn: Nguyễn Thu Thủy Quan viên: một vị khách cao tuổi am hiểu Ca Trù được mời cầm chầu ngẫu nhiên
- Photos Khánh Vân -
|