Hai Thầy trò GS Trần Văn Khê & Ca nương Phạm Thị Huệ đã có màn trình diễn ứng tác ứng tấu ngay trong đêm Ca Trù với tiết mục ngâm thơ ứng tác & đàn Đáy ứng tấu phụ họa thu hút sự chú ý của khán thính giả. Điệu ngâm thơ lấy cảm hứng từ Ca Trù với âm điệu quen thuộc "tính tinh tang, tình tính tinh tang" trên cây đàn Đáy, và trên nền chất liệu đó, hai Thầy trò đã có màn ứng tác ứng tấu tuyệt vời trước đông đảo khán thính giả về một lối đi sáng tạo lấy từ vốn cổ.
Bài thơ "Chiều Tiễn Đưa" của cố thi sĩ Nguyễn Hải Phương đã nhiều lần được GS Trần Văn Khê ngâm cùng những nghệ sĩ, nhạc cụ khác nhau, như Nguyên Lê với electric guitar, Khánh Tường với keyboard, dàn nhạc Tây phương của một người bạn... nhưng chưa bao giờ trình diễn đích thực với đàn Đáy - một nhạc cụ có thể nói hết những cung bậc hòan hảo nhất "tính tinh tang tình tính tinh tang" theo bản năng tự nhiên vốn có của nó và theo đúng với tinh thần âm hưởng Ca Trù mà Giáo sư Khê đã sáng tạo ra. Thì trong đêm nay, sau bao nhiêu năm tháng tìm kiếm, tri âm mới có thể gặp được tri âm. Cây đàn đáy trên tay ca nương đất Thăng Long lại hòa chung men say cùng "khói liêu trai chắp cánh thơ đi tìm" trong chất giọng trầm ấm của vị giáo sư già.
Hãy nhìn hai mái đầu, một đầu bạc - một đầu xanh đắm chìm trong không gian âm nhạc của đêm nay:
"Em không là Chiêu Quân Của một thời mỹ nhân triều cống Mà nắng hạ Sài Gòn Chiều nay mòng mọng vàng thu
Em không là Huyền Trân Vì hai châu Chiêm quốc Mà sao tình Khắc Chung Còn thổn thức mãi đến giờ?..."
Ai là Chiêu Quân? Mà ai là Huyền Trân? để ai thổn thức vì ai đêm này? Hãy nhắm mắt lại mà nghe tiếng đàn giọng thơ như một cơn mưa mùa hạ tưới mát cả một góc hồn khô sạm của trần gian, để còn luyến tiếc hoài khoảnh khắc:
"Phút giây gần có bao nhiêu? Nước non còn có bao điều chưa trao..."
(Nguyễn Hải Phương)
- Photos Khánh Vân -
|